Đòi chiếm biển Đông, Trung Quốc sẽ gây ra chiến tranh

Nếu phán quyết bất lợi, Trung Quốc (TQ) có thể sẽ tăng tốc xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough của Philippines.

Mới đây TQ đã điều máy bay chiến đấu và bố trí tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tướng TQ Phạm Trường Long đã ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Rồi tuần trước, ông Tập nhận chức tổng tư lệnh lực lượng tác chiến. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đến Ấn Độ và Philippines để tăng cường hợp tác quân sự bởi các nước này cùng lo ngại TQ.

Với hàng loạt sự kiện nêu trên, trong bài viết đăng trên báoThe Age (Úc), Peter Hartcher, biên tập viên báo Sydney Morning Herald, nhận định sự kiện Mỹ và TQ tranh giành ưu thế quân sự ở tây Thái Bình Dương có nguy cơ trở thành một trong những cuộc xung đột chết người nhất trong thời đại chúng ta, hay đúng ra là trong lịch sử loài người như đánh giá của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein.

TS Thời Ân Hoằng ở ĐH Nhân dân Bắc Kinh, cố vấn chính phủ TQ năm năm qua, giải thích ông Tập muốn theo đuổi “Trung Quốc mộng” với ba mục tiêu: TQ phải được công nhận là siêu cường ngang Mỹ, TQ phải cùng Mỹ giải quyết các vấn đề toàn cầu (G-2) và TQ phải là một thế lực nổi trội ở tây Thái Bình Dương hơn Mỹ.

Ông cho rằng để đạt ba mục tiêu trên, TQ tiến hành hiện đại hóa quân đội, xây dựng khả năng chiến lược để “ăn miếng trả miếng” với Mỹ nhằm buộc Mỹ phải công nhận “sự nổi trội” của TQ. Ông nhận định: “TQ phải là số một trong ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế, quân sự. TQ muốn ngăn chặn Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải và dần dần sẽ thâu tóm Việt Nam, Philippines cùng các nước ngoài biển Đông”.

GS Ross Terrill ở ĐH Harvard (Mỹ) mô tả TQ ngày nay như một đế chế “thích hợp với ý niệm một triều đại và bắt nạt người dân các nước láng giềng”.

Tuy nhiên, TS Thời Ân Hoằng nhấn mạnh một tiêu chí quan trọng trong tham vọng của ông Tập: Làm bá chủ khu vực mà không cần chiến tranh lớn. Dẫn chứng là TQ đã ngưng đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã định nghĩa lại hiến pháp, tái lập quân đội, củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ và sẵn sàng chiến tranh tổng lực, thế là TQ phải co vòi. Trong khi đó, ở biển Đông vẫn chưa có kháng cự nào.

Thế nhưng ông Thời Ân Hoằng nhận định: “TQ có thể sẽ giành được nhiều thứ nên cuối cùng Mỹ cùng các thế lực khác sẽ nói “quá đáng rồi đó”, nhất là sau tháng 11 tới, nếu Mỹ có tân tổng thống cứng rắn hơn”. Biên tập viên Peter Hartcher bình luận: “Trong vài thế kỷ qua, không hề có một thế lực lớn mới nào trỗi dậy mà không cần tiến hành chiến tranh với một thế lực hiện hữu nhằm tranh giành ảnh hưởng. Chúng ta hãy chờ xem loài người rút ra bài học gì”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm