Mới đây, một số trang mạng xã hội đăng tải đoạn clip sử dụng hình ảnh của bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1), quảng cáo thuốc đặc trị tiểu đường.
Tuy nhiên, ngay sau đó BS Khanh khẳng định thông tin trong đoạn clip là không đúng, BS đã bị người khác tự ý lấy hình ảnh, ghép giọng nói. Thực tế BS không bán hay quảng cáo loại thuốc trị bệnh tiểu đường, giãn tĩnh mạch, đau khớp như đoạn clip đã đăng tải.
Hình ảnh của BS bị giả mạo
Theo đoạn clip được đăng tải trên một số trang mạng, kẻ gian đã sử dụng công nghệ Deepfake (giả mạo khuôn mặt, giọng nói…) để tạo ra đoạn video có hình ảnh khuôn mặt nhân vật giống hệt BS Khanh, tuy nhiên giọng nói không giống lắm.
Đoạn clip có độ dài khoảng 18 giây với nội dung: “Tôi kêu gọi tất cả bệnh nhân tiểu đường của Việt Nam sử dụng thuộc này, với loại thuốc này bạn không cần dùng nhiều thuốc, lượng đường trong máu sẽ bình thường hóa vào ngày thứ ba. Tất cả triệu chứng sẽ biến mất trong hai tuần… Hàng trăm bệnh nhân của tôi đã bắt đầu sống một cuộc sống mới trong quá trình điều trị”.
Trao đổi với PV, BS Khanh cho biết đây không phải là lần đầu BS bị người khác tự ý sử dụng hình ảnh của mình để bán các sản phẩm thuốc trên mạng.
“Việc mạo danh tôi, đối với bản thân tôi hầu như không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, tôi chỉ sợ nhiều phụ huynh, bệnh nhân thấy hình ảnh của tôi lại nghĩ rằng tôi ủng hộ và đang tuyên truyền cho sản phẩm nên mua sử dụng trong khi không biết rõ về sản phẩm. Nếu sản phẩm được quảng cáo không chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân” - BS Khanh chia sẻ.
BS Khanh cho hay trước những thông tin thất thiệt trên, BS đã dùng các tài khoản trên mạng xã hội của mình thông báo việc giả mạo như trên để nhiều người biết và cảnh giác.
“Tôi mong các phụ huynh, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ những loại thuốc được quảng cáo trên mạng trước khi dùng, đừng nên thấy hình ảnh của người nổi tiếng bên cạnh sản phẩm mà vội tin. Bởi thực tế chính bản thân người bị giả mạo cũng không thể kiểm soát được hình ảnh của mình” - BS Khanh nói.
Việc sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để cắt ghép, tạo niềm tin cho khách hàng quảng cáo sản phẩm không phải mới. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ Deepfake lấy hình ảnh của người khác làm thành đoạn clip, ghép giọng nói để tạo lòng tin đến người xem là hình thức mới.
Vừa qua, cơ quan công an cũng đã có những thông tin cảnh giác người dân về việc kẻ gian sử dụng công nghệ Deepfake để giả hình ảnh và giọng nói người thân quen của nạn nhân để thực hiện video call lừa đảo.
|
Bác sĩ Khanh bị sử dụng hình ảnh để quảng cáo thuốc trị bệnh tiểu đường. |
Tự ý lấy hình ảnh của người khác là phạm pháp
Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hiện nay những trường hợp sử dụng hình ảnh của các BS, ca sĩ, người mẫu, diễn viên nổi tiếng để quảng cáo các sản phẩm trên mạng xã hội vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, đa phần những trường hợp này là lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng để bán sản phẩm kém chất lượng.
Luật sư Hoan phân tích: Điều 32 BLDS quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Tại Điều 8 Luật Quảng cáo quy định hành vi quảng cáo mà có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép thuộc một trong những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.
Người vi phạm quy định trên có thể bị phạt tiền 20-40 triệu đồng, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 128/2022). Đây là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp hai lần số tiền trên.
Ngoài ra, tùy theo tính chất mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, theo Điều 197 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), về việc quảng cáo gian dối liên quan đến hàng hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính; hoặc đã bị kết án rồi nhưng chưa xóa án tích thì còn có thể xử phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.
“Đối với hành vi sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân để quảng cáo nêu trên, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo; buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân bằng văn bản đối với hành vi trên. Bên cạnh đó, người có hình ảnh bị xâm hại có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại” - luật sư Hoan nêu.•
Cách phát hiện công nghệ Deepfake
Theo một chuyên gia công nghệ, khi Deepfake trở nên phổ biến, chúng ta cần phải thích nghi với việc phát hiện các video giả mạo, tương tự như các loại tin tức giả mạo.
Có một số cách để nhận biết video giả mạo.
- Nhân vật trong video không bao giờ chớp mắt (hoặc chớp liên tục), không tự nhiên.
- Tóc, da và khuôn mặt có vẻ mờ hơn so với môi trường xung quanh, nhân vật trông mềm mại một cách bất thường.
- Thông thường các thuật toán Deepfake sẽ giữ lại ánh sáng của các clip được sử dụng làm mẫu cho video giả và ánh sáng này thường không phù hợp.
- Âm thanh có thể không khớp với khẩu hình.
PV