Bác sĩ chỉ cách ứng xử với người tâm thần

Thời gian gần đây, trên nhiều tỉnh/thành xảy ra nhiều trường hợp người tâm thần bất ngờ gây án.

Chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ (BS) Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần (TP.HCM), xoay quanh câu chuyện này. BS Trịnh Tất Thắng đã đưa ra một số lưu ý khi chung sống với người tâm thần trong cộng đồng.

Hai dạng bệnh tâm thần dễ gây nguy hiểm

Theo BS Thắng, trên thế giới, những nước phát triển đang có xu hướng kéo người bị bệnh tâm thần sống chung với cộng đồng chứ không để họ sống tách biệt. Việt Nam chúng ta đang đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, để người thân và cộng đồng sống chung với những người bệnh tâm thần sao cho an toàn thì điều đầu tiên là phải hiểu người bệnh.

Theo thống kê trong ngành thì những người có bệnh tâm thần phân liệt, bệnh hoang tưởng mới gây nguy hiểm cho người khác, còn các dạng tâm thần khác thì không ảnh hưởng đến cộng đồng nhiều.

Bệnh tâm thần được chia làm hai loại: Loại thứ nhất là người bệnh biết mình bệnh, dạng người này thường không nguy hiểm vì họ rất hợp tác trong việc điều trị.

Loại thứ hai là người bệnh phủ nhận bệnh tình của mình, cho rằng mình bình thường, từ chối chữa trị thì đến một lúc nào đó bệnh sẽ bùng phát, rất dễ gây nguy hiểm cho người dân và xã hội.

Những người bệnh tâm thần đang được trị liệu tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Tân Định. Ảnh: TM

Cách sống chung với người tâm thần

Đối với người thân mắc bệnh tâm thần thì cần phải làm gì? BS Thắng cho biết việc trước tiên là phải theo dõi những biểu hiện và bệnh tình của họ để tìm các dịch vụ y tế điều trị kịp thời. Khi bệnh nhân tiếp nhận điều trị thì người thân phải phối hợp với BS trong quá trình chăm sóc.

Cụ thể, vì người bệnh rất khó uống thuốc nên người thân cần theo dõi đều đặn và nếu khó quá thì nhờ BS điều trị nhắc nhở. Khi người bệnh có những dấu hiệu bất thường thì cần đưa đi thăm khám để BS tăng, giảm liều. Người thân tuyệt đối không được ngưng thuốc hay giảm thuốc cho người bệnh. Khi thấy người bệnh không lên cơn nữa thì người thân không nên tự tiện ngưng thuốc mà phải hỏi ý kiến BS. Một số gia đình có người bệnh đã mặc cảm nên không dám nói cho người ngoài biết, không dám đưa đi điều trị nên để bệnh càng trầm trọng hơn.

“Người bệnh cần được đối xử như người bình thường, không tranh luận tận cùng vấn đề với họ. Tuyệt đối không được xúc phạm, coi thường vì điều này khiến họ rất dễ nổi nóng. Người bệnh rất tình cảm và dễ tự ái hơn người bình thường nên đừng xa lánh, khinh khi họ khiến họ mang hận trong lòng, dễ bột phát gây hại cho người khác” - BS Thắng lưu ý.

Đối với cộng đồng thì phải làm thế nào để chung sống an toàn với người tâm thần? BS Thắng hướng dẫn: Cộng đồng cần tránh những hành vi như ném đá, chọc ghẹo, chỉ trích người tâm thần. Khi đi ngoài đường, thấy người tâm thần lên cơn la hét hãy trò chuyện, lắng nghe họ và hướng dẫn họ đi đến đâu để được giúp đỡ.

Nhiều nạn nhân bị người tâm thần tấn công

- Ngày 12-4, người thân anh HTP (35 tuổi, ngụ TP Tam Kỳ) đưa anh P. đến chùa Bình Bửu (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) để nhờ sư trụ trì chùa hướng dẫn điều trị bệnh tâm thần. Tại chùa, anh P. lấy một con dao giấu trong cốp xe máy chém vào đầu sư trụ trì. Vụ việc khiến sư trụ trì bị thương nặng và được mọi người đưa đi cấp cứu ngay sau đó.

- Khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4-2019, có khoảng 10 người liên tục bị người lạ mặt dùng vật sắc nhọn tấn công gây vết thương trên người tại khu vực Nguyễn Văn Cừ (phường 1, quận 5, TP.HCM). Công an quận 5 đã tạm giữ đối tượng là người đàn ông có dấu hiệu bệnh tâm thần, tên H.

- Ngày 16-2, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về một người đàn ông đi xe máy dùng búa tấn công người đi đường tại khu vực thuộc hai quận Tân Bình và Phú Nhuận (TP.HCM). Sau một thời gian điều tra, cơ quan công an truy tìm được P. Đối tượng này thừa nhận mình là người dùng búa gây thương tích cho ba người đi đường. P. cho biết đang điều trị tại BV Tâm thần TP.HCM.

Các nước quản lý người bị tâm thần như thế nào?

Các nước phát triển như Anh, Mỹ chủ yếu quản lý người bệnh tâm thần dựa trên cộng đồng, người bệnh vẫn chung sống trong xã hội. Các nước này rất chú trọng tìm cách can thiệp người bị rối loạn tâm lý, tâm thần thông qua điều trị tâm lý sớm. Họ có các nhân viên công tác xã hội lâm sàng, đây là cánh tay nối dài của nhà vật lý trị liệu, của BS thần kinh, tâm thần để theo dõi, điều trị bệnh nhân tại địa phương. Mỹ thành lập tổ chức Sức khỏe tâm thần Mỹ (Mental Health America) từ năm 1909. Đây là tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tâm thần cho mọi người; xác định và can thiệp sớm cho những người có nguy cơ; chăm sóc tích hợp, dịch vụ và hỗ trợ phục hồi cho những người bệnh. Anh cũng lập nên Quỹ Sức khỏe tâm thần (Mental Health Foundation) hoạt động như một tổ chức từ thiện, dựa vào sự quyên góp của cộng đồng để thúc đẩy những nghiên cứu và phổ biến kiến thức về người bệnh tâm thần, giúp họ hòa nhập với cuộc sống và giúp những người xung quanh hiểu về người bệnh tâm thần.

Một số nước châu Á thì quản lý chủ yếu dựa trên chính sách của nhà nước, các bệnh viện đảm trách nhiệm vụ quản lý và theo dõi người bệnh tâm thần.

KIM NGUYÊN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới