Thói quen "tự đốt nhà" ngày Tết:

Bài cuối: Nấu ăn không dập lửa, rò gas chết người

Cháy nổ do bất cẩn khi nấu ăn

Tan tác, tiêu điều. Những con lợn cháy đen nằm bẹp trên nền đất. Hơn 70 ngôi nhà chồ chỉ còn trơ những cọc bêtông hoặc cọc gỗ cháy dở nằm chỏn lỏn, trơ trọi. Những tấm tôn đen xì, cháy dở, méo mó, ngổn ngang. Hàng trăm gương mặt hốt hoảng, thẫn thờ nhìn tài sản cả đời người bốc chốc hóa thành tro bụi.

Đó là tất cả những gì còn sót lại sau vụ hỏa hoạn xảy ra giữa đêm khuya 17-1 khiến những ngôi nhà ven sông Cái thuộc TP Nha Trang (Khánh Hòa) bị thiêu rụi. Tết cổ truyền của dân tộc đang đến rất gần.

Vụ cháy ở Nha Trang khiến hơn 70 ngôi nhà chồ biến thành đống tro tàn. Ảnh: PLO

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do một người dân nấu cám heo quên dập lửa. Không ai muốn khơi lại nỗi đau khi cái Tết đang cận kề nhưng nếu không nói, không nhắc thì còn biết bao ngôi nhà sẽ rơi vào thảm cảnh tương tự.

Trung tá Lê Mạnh Hà Phó trưởng Phòng pháp chế, điều tra, xử lý về cháy nổ thuộc Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết bất cẩn trong sinh hoạt như nấu củi quên dập lửa, nấu ăn bỏ đi làm việc khác…là nguyên nhân lớn thứ 3 gây hỏa hoạn cháy nổ.

Cụ thể, theo thống kê của Cảnh sát PC&CC Tp.HCM, năm 2016, Tp.HCM xảy ra 361 vụ cháy trong đó có tới 13 vụ cháy do bất cẩn trong sinh hoạt. “Những ngày Tết, công việc bận rộn, vừa nấu ăn vừa đi làm việc khác, nấu ăn quên tắt bếp gas…xảy ra rất nhiều. Nguy cơ cháy nổ từ đây mà ra”, ông Hà nói.

Không đâu xa xôi, mới ngày 8-1, hỏa hoạn bùng phát dữ dội do bình ga bị xì ở quán cơm trên đường Hưng Phú (quận 8, TP.HCM) khiến hai người bị bỏng là một minh chứng đau lòng. Do đám cháy xuất phát từ khu vực bếp có nhiều vật dụng dễ cháy nên khói lửa nhanh chóng bao trùm, công tác dập lửa gặp khó khăn.

Cảnh sát PCCC quận 8 điều động nhiều xe chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường khống chế hỏa hoạn. Thông tin ban đầu, đám cháy đã thiêu rụi nhiều tài sản trong quán cơm và khiến chị Huỳnh Thị Mùi và anh Trần Văn Tèo bị bỏng và được đưa đi cấp cứu sau đó.

“Nấu ăn phải có người trông coi, có những trường hợp bà con cứ mải làm việc, nước canh sôi tràn ra dập tắt lửa nhưng bếp vẫn chưa tắt, gas chưa khóa, rất nguy hiểm. Nấu ăn bằng bếp củi, nấu xong phải chắc chắn dập tắt hết lửa, tránh bén vào những vật dễ cháy xung quanh gây cháy lan”, Trung tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo.

Phát hiện rò rỉ khí gas, bếp gas phải làm thế nào?

Trước đó, trao đổi với PV Pháp luật Tp.HCM, Trung tá Huỳnh Quang Tuyến - Phó Trưởng phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: việc đầu tiên cần làm khi phát hiện rò rỉ khí gas là báo động cho mọi người biết.

"Tuyệt đối không bật, tắt thiết bị điện, không làm va đập các vật kim loại, không bật hộp quẹt. Vì nó sẽ phát ra tia lửa, kết hợp với khí ga rò rỉ sẽ bén lửa, gây nổ và bốc cháy. Sau khi báo động mọi người, cần nhanh chóng mở cửa sổ để khí gas thoát ra ngoài.", ông Tuyến nói.

Trung tá Huỳnh Quang Tuyến - Phó Trưởng phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Ông Tuyến khuyến cáo, sau khi sử dụng xong bếp gas, cần tắt van đầu bình trước rồi tắt van bếp gas để đảm bảo an toàn. Nhiều hộ gia đình hiện nay chỉ tắt bếp mà không khóa van đầu bình, đây cũng là một trong những nguy cơ dẫn tới hiện trạng rò rỉ gas, gây cháy nổ.

Ngoài ra, khi đun nấu thức ăn, mải chơi, ngủ quên hay làm việc khác để cháy thức ăn gây cháy lan ra xung quanh hoặc thức ăn sôi trào ra ngoài, dập tắt lửa nhưng bếp vẫn không tắt dẫn đến hiện tượng gas xì ra ngoài và tích tụ. Nếu không phát hiện sớm cũng rất nguy hiểm.

 

Cháy nổ do chạm chập điện

Trung tá Lê Mạnh Hà cho biết nguyên nhân gây ra cháy nổ lớn nhất là do sự cố điện: đường dây điện, thiết bị tiêu thụ điện (chiếm 77% nguyên nhân các vụ cháy).

“Mua đường dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện cần mua sản phẩm có thương hiệu, không phải cứ rẻ tiền hay có loại nào cũng mua vì điện liên quan đến tính mạng bản thân và những người xung quanh.

Các thiết bị bảo vệ như cầu dao điện, cầu chì…phải phù hợp với công suất tiêu thụ.

Về đấu nối lắp, nếu biết thì tự làm còn không phải thuê thợ uy tín, giám sát kỹ đảm bảo dây nối không bị gấp, gãy, phải kiểm tra thường xuyên dây dẫn có bị chuột cắn không.

Phích cắm nếu bị lỏng, giắc cắm điện phải chắc chắn, nếu không cần thay thế kịp thời.

Nếu gia đình có điều kiện kinh tế nên lắp cầu dao chống giật, chống rò rỉ, giá tiền tầm 700.000-800.000”, ông Hà khuyến cáo. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm