Bệnh nhân ngã quỵ ngay tại sân bay Lagos và được đưa vào bệnh viện tư. Ngày 20-10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo Nigeria không còn ca nhiễm. Trong ba tháng, từ một ca nhiễm ban đầu đã có tổng cộng 20 ca nhiễm và tám ca tử vong tại quốc gia đông dân nhất châu Phi (170 triệu dân). Từ kinh nghiệm Nigeria có thể rút ra các bài học như sau:
Phát hiện nhanh: BS Chibuzo Okonta thuộc tổ chức Thầy thuốc không biên giới (Pháp) nhận định may mắn các ca nhiễm đầu tiên ở Nigeria là các y, bác sĩ trong bệnh viện tư chứ nếu ổ dịch bộc phát từ gia đình nghèo và gia đình đó vào bệnh viện công thì dịch sẽ lan nhanh hơn.
Sau khi có ca nhiễm, chính phủ đã phối hợp với WHO, tổ chức Thầy thuốc không biên giới và các chuyên gia quốc tế nhằm kiểm soát dây chuyền lây nhiễm. Tại Lagos, 18 tổ đi lùng những người có tiếp xúc với ca nhiễm, sau đó thẩm vấn, đến nhà giải nhiễm. Gần 900 người có nguy cơ nhiễm được giám sát.
Thông tin: Bộ Y tế nhanh chóng phát động chiến dịch truyền thông trên đài phát thanh, đài truyền hình, trang web, Facebook, Twitter, điện thoại thông minh (smartphone). BS Chibuzo Okonta ghi nhận ở Nigeria mọi người đều có smartphone, kể cả chị bán lạc rang trên phố nên thông tin phòng ngừa Ebola lan rất nhanh. Các chủ báo, nhà sản xuất điện ảnh, linh mục và mọi đầu mối phổ biến thông tin đều được huy động. Tổng thống cũng đã chỉ thị lập đường dây nóng.
Hệ thống y tế và kinh tế: Hệ thống y tế ở Nigeria dù chưa hoàn toàn tốt nhưng vẫn tốt hơn ở Liberia hay Sierra Leone. Tỉ lệ sống sót ở Nigeria chiếm 60% so với 30% ở Liberia hay Sierra Leone. Nigeria cũng đã có kinh nghiệm chống sốt xuất huyết do virus Lassa. Nigeria là cường quốc kinh tế đứng đầu châu Phi, vì vậy mọi người đều hiểu dịch Ebola sẽ tàn phá môi trường kinh doanh như thế nào. Ngoài ra, điều đáng lưu ý nữa là chính phủ Nigeria đã không phong tỏa đất nước như ở Sierra Leone vì biết rằng có phong tỏa thì virus Ebola vẫn lây lan.
Trong khi đó, tạp chí y học The Lancet (Anh) ngày 21-10 đã công bố kết quả nghiên cứu của BS Kamra Kahn ở BV St. Michaels tại Toronto (Canada) cùng các nhà nghiên cứu Mỹ và châu Âu cho thấy kiểm soát Ebola tại sân bay đến không phải là giải pháp hữu ích.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy nhờ thực hiện các biện pháp kiểm soát (khai tờ khai y tế và đo thân nhiệt) ở sân bay ba nước có số tử vong Ebola cao gồm Liberia, Sierra Leone và Guinea, bình quân mỗi tháng có thể ngăn chặn 2,8 lượt người nhiễm Ebola ra nước ngoài lây bệnh. Năm 2013, hơn 50% số hành khách từ ba nước trên tập trung đến năm quốc gia gồm Ghana (17,5%), Senegal (14,4%), Anh (8,7%), Pháp (7,1%) và Gambia (6,8%). Năm 2014, 64% hành khách từ ba nước trên đến một quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình vốn khó phát hiện ca nhiễm Ebola nhanh chóng và dập dịch kịp thời.
H.DUY