Những ngày qua, câu chuyện diễn viên Quách Ngọc Tuyên bị tố đăng bài kêu gọi từ thiện ảo gây xôn xao dư luận. Trước áp lực của dư luận, nam diễn viên đã chủ động làm việc với Sở TTTT TP.HCM và cơ quan công an.
Hệ lụy khi đăng tin thiếu kiểm chứng
Nhiều ngày trước, Quách Ngọc Tuyên có chia sẻ kêu gọi giúp đỡ trường hợp một cháu bé khó khăn bị bệnh hiểm nghèo. Trước khi chia sẻ thông tin này trên trang cá nhân, nam diễn viên đã gọi điện thoại đến số điện thoại trong câu chuyện để xác minh.
Ngay khi được chia sẻ, hình ảnh và câu chuyện của bé đã lấy đi nhiều nước mắt của bạn đọc, cộng đồng mạng. Nhiều người tin tưởng, ủng hộ đóng góp gửi về tài khoản cho bé phẫu thuật. Trong đó, có một mạnh thường quân chia sẻ rằng, cô đã chuyển khoản 100 triệu đồng cho bé.
Nam diễn viên đã lên tiếng xin lỗi khi phát hiện trường hợp mình kêu gọi là ảo. Ảnh chụp màn hình
Sau đó, nhiều thông tin rộ lên rằng nạn nhân trong ảnh thực chất đã mất. Kẻ lừa đảo đã mạo danh gia đình, lấy hình ảnh của bé để lừa tiền. Do đó, ngày 1-3, Quách Ngọc Tuyên chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ việc.
Hiện tại, Quách Ngọc Tuyên vẫn đang làm việc cùng với Thanh Tra Sở TTTT TP.HCM, phòng PA03 Công an TP.HCM và công an điều tra nơi anh đang sinh sống.
Phân tích vụ việc, luật sư Đinh Xuân Hồng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết dưới góc độ pháp lý, chúng ta phải xem xét hành vi của diễn viên Quách Ngọc Tuyên xâm phạm vào các quan hệ thuộc phạm vi luật nào điều chỉnh, hiện mạng xã hội họ hay gán ghép hành vi của người nào đó là vi phạm, như trường hợp này họ cho rằng có hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ xác định có đủ các yếu tố cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự hay không.
Cơ quan công an sẽ làm rõ hành vi sai phạm của Quách Ngọc Tuyên trong vụ việc. Ảnh: FBNV
“Nếu Quách Ngọc Tuyên không có mối quan hệ với những người dựng câu chuyện, cung cấp thông tin sai sự thật và cũng bị thiệt hại (có việc chuyển tiền cho họ) thì cũng là người bị hại. Lúc đó, lỗi của nam diễn viên là việc chưa kiểm chứng, xác thực thông tin chính xác mà đã đăng trên mạng xã hội” – luật sư Hồng nhận định.
Cũng theo luật sư Hồng, hệ lụy của hành vi giả bệnh tật lừa đảo tiền là niềm tin trong cộng đồng đối với các thông tin mà những người có lượng người theo dõi lớn bị giảm. Đó cũng là bài học cho việc kiểm chứng thông tin trước khi đăng bài lên các trang mạng xã hội.
Từ thiện phải chuyên nghiệp để tránh lừa đảo
Dưới góc độ xã hội, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD-www.msdvietnam.org) nhận định: “Là một người làm thiện nguyện, tôi luôn cố gắng tin vào cái tâm trong sáng của người kêu gọi từ thiện. Trong trường hợp của các nghệ sĩ này, tôi không biết rõ sự tình nhưng hy vọng đây chỉ là một sự cố trong tiến trình các cá nhân tham gia kêu gọi từ thiện nhưng chưa có kiến thức và kinh nghiệm phù hợp để kêu gọi từ thiện”.
“Thực sự, từ thiện xuất phát từ tâm, nhưng việc làm từ thiện cũng đòi hỏi có kiến thức, kỹ năng và các phương pháp chuyên nghiệp từ khâu xác minh thông tin, ca hỗ trợ, đến phương pháp cách thức hỗ trợ, cách thức kêu gọi hỗ trợ và hỗ trợ hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình, tuân thủ pháp luật” – bà Linh cho biết.
Bà Nguyễn Phương Linh cho rằng chỉ có từ thiện chuyên nghiệp mới ngăn chặn được kêu gọi từ thiện ảo. Ảnh: NVCC
Cũng theo bà Linh, ngoài phương pháp, cách thức còn phải tính tới cả yếu tố phát triển, để đảm bảo nhân phẩm, tính vươn lên, đảm bảo bí mật thông tin cá nhân, quyền riêng tư của người nhận từ thiện… Nói tóm lại, từ thiện chuyên nghiệp và hiệu quả đòi hỏi nhiều tư duy, hiểu biết, công sức, nỗ lực…
“Chính vì thế, đối với sự việc đáng tiếc như kêu gọi và hỗ trợ nhầm ca, ca giả mạo, tôi nghĩ người nghệ sĩ hay bất kỳ ai có tâm hướng thiện, muốn giúp đỡ người khác là vô cùng tốt - tốt hơn là hãy tìm hiểu cách làm hoặc phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện chuyên nghiệp để có thể thực hiện việc từ thiện một cách hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch. Với quy trình sát sao, việc hỗ trợ nhầm ca, đặc biệt cho các ca giả mạo, lừa đảo sẽ được giảm thiểu” – bà Linh nhấn mạnh.
Bà Linh cho rằng việc giả mạo đau bệnh, kêu gọi, là một hình thức lừa đảo đáng bị lên án và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thế nhưng, chính việc chúng ta làm một cách cẩn trọng, chuyên nghiệp trong từ thiện, tránh được rủi ro cũng là cách làm trong sạch xã hội, không còn đất sống cho các hành vi lừa đảo.