Đặt trong tổng thể, đánh giá 30 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết trung ương nhận định là đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết. Theo đó, thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Năm định hướng lớn
Trong phần tiếp theo, báo cáo chung do Tổng Bí thư trình bày đánh giá dù đã nỗ lực phấn đấu nhưng nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu mà Đại hội XI xác định là đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đã không đạt được. Để sớm đạt mục tiêu này, trung ương đề ra năm định hướng lớn:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thứ hai, đổi mới căn bản và toàn diện
giáo dục, đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ.
Thứ ba, xây dựng, phát triển
văn hóa, con người.
Thứ tư,
quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Thứ năm, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Mọi quyết sách đều phải vì lợi ích nhân dân
Để thực hiện hiệu quả các định hướng lớn ấy, năm năm tới cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, và tiếp tục đường lối đối ngoại và hội nhập
quốc tế. Chính sách đối ngoại tiếp tục nhằm mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trong đường hướng này, Việt Nam sẽ đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước, đưa các quan hệ đã xác lập vào thực chất. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác.
Phát truy sức mạnh đại đoàn kết, dân chủ XHCN và xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN là phần tiếp theo của báo cáo chung. Theo đó khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó phải lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng.
Để được như vậy, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải đều vì lợi ích của nhân dân. Lấy đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân, làm cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến của dân; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, yêu cầu chính đáng của nhân dân.
Dân chủ thực sự và kiểm soát quyền lực
Phát huy dân chủ XHCN là một nội dung chủ đề của Đại hội XII này. Điều đó đòi hỏi nhiệm kỳ tới dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả lĩnh vực của
đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của người dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Trong tổ chức, hoạt động bộ máy nhà nước, tiếp tục xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích nhà nước và chế độ XHCN.
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ
Kiểm điểm công tác xây dựng Đảng, báo cáo tóm tắt do Tổng Bí thư trình bày, nhiệm kỳ qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý bước đầu đã tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi và các hoạt động trong công tác, trong cuộc sống của mình, của giá đình và người thân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số việc chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong phê và tự phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến; một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm, trách nhiệm của mình. Trên một số vấn đề, qua kiểm điểm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp từ trung ương đến cơ sở vẫn chưa làm rõ thực chất mức độ nghiêm trọng của tình hình, chưa làm rõ địa chỉ trách nhiệm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vị, phức tạp, gây bức xúc trong
dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Để khắc phục những hạn chế trên, cần đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Tiếp tục ban hành, thực hiện các quy chế, quy định thống nhất, đồng bộ, trong đó có quy chế về đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp. Đổi mới công tác bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm để lựa chọn được người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu.
Báo cáo tiếp tục xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Các cấp ủy, trước hết là người đứng đầu phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; khi xảy ra thì xử lý kịp thời, nghiêm minh kể cả hành vi bao che, dung túng, can thiệp, ngăn cản việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Toàn văn Báo cáo do Tổng Bí thư trình bày tại Đại hội
Nguồn: Chinhphu.vn