Trường hợp hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng lại không ghi nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi thì mức phạt đối với hành vi này 1-3 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5 triệu đồng.
Tràn lan bánh Trung thu không nhãn mác
Gần đến Trung thu, trên các chợ, các trang mạng xã hội quảng cáo bánh Trung thu “nhà làm” với nhiều mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý nên khá nhiều người chuộng những loại bánh này, “hầu như năm nào tôi cũng mua bánh Trung thu của người quen làm. Tôi thấy an tâm khi mua những sản phẩm này vì nghĩ nhà người ta làm thì không bỏ phẩm màu nên không gây ngộ độc. Vì là bánh nhà làm nên nhiều người chỉ đóng vào bịch chứ không có nhãn hay tem gì” - chị Thanh Thúy chia sẻ.
Nhiều nơi bán bánh Trung thu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: CN
Việc bán bánh Trung thu vào thời điểm này trên các trang mạng xã hội khá nhiều. Với lời quảng cáo “đặt tiêu chí sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu, bánh không chất phụ gia, không chất bảo quản, giá cực rẻ,…” nên nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cũng như nguồn gốc, xuất xứ những sản phẩm này khó có thể kiểm soát được.
Nhiều trang mạng xã hội bán bánh Trung thu "nhà làm" khó kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc.
Theo các chuyên gia, bên cạnh những cơ sở uy tín, người tiêu dùng nên cảnh giác với những cơ sở không chuyên, không nên tin vào những quảng cáo về những thương hiệu vô danh hoặc những cá nhân làm bánh theo xu hướng thị trường.
Bên cạnh đó, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác rõ ràng, không nên vì ham giá rẻ, màu sắc bắt mắt, hấp dẫn mà mua những sản phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bánh Trung thu không nhãn mác có thể bị phạt
Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, hàng hóa có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa hoặc hàng hóa có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệch thông tin về hàng hóa, thì hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên nếu giá trị hàng hóa lớn hơn và mức tối đa của mức xử phạt là phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng. Ngoài mức phạt chính, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có nhãn vi phạm theo quy định tại Điều 30 của Nghị định 119/2017 của Chính phủ.
Trường hợp hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng lại không ghi nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi thì mức phạt đối với hành vi này 1-3 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5 triệu đồng. Trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng thì mức phạt 50-60 triệu đồng (khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 43/2017 của Chính phủ thì ngoại trừ những hàng hóa như: Bất động sản; hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển; hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa;... còn lại thì tất cả hàng hóa còn lại bắt buộc phải có nhãn hàng hóa. |