Nhiều bạn đọc cho rằng không thể đem xe máy ra để đổ lỗi cho vấn nạn kẹt xe rồi cấm nhưng cũng có không ít ý kiến ủng hộ.
“Đề xuất… rất liều”
“Thật nực cười, ông Mai đề nghị cấm chỉ nghĩ cho mình, làm ơn hãy nghĩ cho dân, hãy đứng từ vị trí của người dân mà nghĩ đi” - bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn nêu.
Bạn đọc Nguyen Van Ty bày tỏ: “Ông Mai nói khó nghe thật. Cấm xe máy thì dân đi bằng gì? Ô tô ư? Giá ô tô có rẻ bằng xe máy không? Thu nhập của người dân có đủ để mua ô tô không? Nếu có thì có đủ đường để chạy không và quan trọng là phương tiện giao thông công cộng có đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân không? Giải quyết vấn đề này được không? Đừng đưa ra những lệnh cấm vô lý, bất khả thi. Theo tôi, diện tích mặt đường giao thông đường bộ không đáp ứng được với số lượng xe mà người dân đang sở hữu và sử dụng, không có cách nào khác là tăng diện tích đường giao thông”.
Bạn đọc Tạ Đức Thiêu nêu quan điểm: “Theo tôi, nói thì dễ đấy nhưng làm chắc khó. Vì sao? Vì muốn cấm hoàn toàn xe máy thì phải có các phương tiện giao thông khác để thay thế, mà điều này mình chưa đáp ứng được. Do vậy, hãy chuẩn bị tốt hệ thống metro hay đường sắt trên cao và hệ thống xe buýt đan xen nhau tới mọi ngõ phố thì lúc đó mới cấm xe máy được. Chứ cứ nói cấm mà không có phương tiện thay thế thì các vị nói liều, rất rất liều”…
Tính đến 18 giờ ngày 20-4 (sau một giờ Pháp Luật TP.HCM thăm dò ý kiến), đã có 1.557 bạn đọc tham gia bầu chọn đồng ý cấm xe máy (tỉ lệ 39,3%); 2.152 bạn đọc không đồng ý (tỉ lệ 54,3%); 256 người có ý kiến khác (tỉ lệ 6,5%).
“Tôi ủng hộ…”
Ngược lại, có bạn đọc lại đồng tình với quan điểm của PGS-TS Phạm Xuân Mai. Bạn đọc Lê An Phương nêu ý kiến: “Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, đây là một trong những giải pháp cốt lõi nếu TP muốn xây dựng thành công mục tiêu xây dựng TP đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình...”.
“Tôi tán thành đề xuất của PGS-TS Phạm Xuân Mai. Hiện nay đã đến lúc cần quản lý chặt loại phương tiện này, thậm chí cấm một số nơi mật độ dân cư đông. Không thể trách phương tiện công cộng không đáp ứng nhu cầu vì việc sử dụng phương tiện công cộng của người dân chưa rộng rãi. Khi cấm xe máy, người dân phải sử dụng phương tiện công cộng. Lúc đó, Nhà nước sẽ có những quy định bắt buộc nhằm khắc phục các tồn tại trên chứ không có gì quá khó khăn” - bạn đọc Ma Văn Mai nêu quan điểm…
Ít người đi lại, đường thông thoáng hẳn Ùn tắc cũng giống ngập nước. Nếu không làm đồng bộ thì chống ngập chỗ này nước sẽ chuyển từ cao xuống thấp rồi sẽ phát sinh những điểm ngập mới. Chống ùn tắc mà cấm một số tuyến đường, xe sẽ di chuyển sang đường khác rồi tuyến này thông thoáng nhưng tuyến khác lại ùn tắc. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ diễn ra mãi. Bây giờ nếu chuyển hết các công ty (trong các tòa nhà), trường học (cao đẳng, đại học), bệnh viện ra các huyện thử xem cả TP.HCM này còn bao nhiêu xe di chuyển trên đường. Điển hình chúng ta thấy các ngày lễ, Tết mà nghỉ dài ngày không có sinh viên đi học, nhân viên văn phòng không đến công sở thì TP.HCM chúng ta thông thoáng biết bao nhiêu. Bạn đọc ANTHONY THANG |