Bạn đọc mong muốn thay mới dụng cụ đo nồng độ cồn

(PLO)- Nhiều bạn đọc cho rằng dùng chung dụng cụ đo nồng độ cồn sẽ gây lây nhiễm bệnh tật. Tuy nhiên số còn lại không đồng tình vì mất thời gian, dễ gây ùn tắc và tăng lượng rác thải nhựa.

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Công an TP.HCM: Không dùng chung ống thổi khi đo nồng độ cồn” đưa tin về việc Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định tất cả các vụ kiểm tra nồng độ cồn đều không sử dụng chung dụng cụ thổi, không gây ùn tắc, xáo trộn về giao thông.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc với cử tri TP Thủ Đức sau kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri phản ánh việc hàng trăm người dân thổi chung dụng cụ đo nồng độ cồn gây mất vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thông tin trên đã thu hút sự quan tâm dư luận.

Nguy cơ lây nhiễm cao

“Tôi ủng hộ việc kiểm tra nồng độ cồn nhưng cơ chế lan truyền bệnh rất nhanh như qua nước, qua không khí mà lại sử dụng biện pháp kiểm tra nồng độ cồn chung một cái phễu thì rất phản khoa học, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Tôi đề nghị có quy định về việc thay ống thổi mới cho mỗi người dân, giảm thiểu tai nạn do cồn nhưng tăng nguy cơ bệnh tật thì cũng thế thôi”bạn đọc Kim Hoàng.

“Ngoài nguy cơ lây nhiễm thì việc thổi chung dụng cụ đo nồng độ cồn dẫn đến khả năng sai số cao. Tôi thấy mỗi lần như vậy rất nhiều người thổi liên tục, nếu mùi cồn của người trước cộng dồn lại cho người sau thì có phải rất oan không? Có ai dám chắc chắn cho rằng máy đo chính xác không?” – bạn đọc Bích Thảo.

“Mỗi lần lập chốt thì ai đi qua cũng đều phải thổi, số người lên đến cả trăm, vậy mà lại dùng chung một thiết bị đo nồng độ cồn không có phương pháp khử trùng thì quá mất vệ sinh, lây lan các loại bệnh do virus gây ra. Thiết nghĩ nên chế tạo dụng cụ thổi nồng độ cồn một lần rồi bỏ như que test Covid, người nào thổi có nồng độ cồn thì phải trả tiền dụng cụ vừa thổi, còn thổi không có nồng độ cồn thì miễn phí que test” – bạn đọc Lê Thủy.

Người dân đề nghị thay dụng cụ đo nồng độ cồn để tránh lây nhiễm bệnh tật. Ảnh: TH

Mất thời gian

“Mỗi người thay một cái phễu thì rất mất thời gian, đứng đợi nhau lại tắc đường, chưa kể tốn kém nhiều chi phí. Tôi đã nhiều lần bị kiểm tra nồng độ cồn, CSGT đưa máy cách miệng một khoảng khá xa chứ không phải úp sát cái phễu vào miệng mình. Tuy nhiên người dân vẫn có quyền đề nghị được thay ống thổi mới, ai lo lắng thì cứ nhờ CSGT thay, nhưng đừng quên CSGT vẫn có quyền từ chối thay nhé” – bạn đọc Mai Hoa.

“Cùng đặt miệng vào ống thì có thể lây bệnh chứ thổi xa như thế thì khả năng lây nhiễm không cao. Tôi thấy nhiều người lấy lý do sợ bệnh tật rồi không chịu thổi, bao biện cho lỗi của mình. Đừng đổ thừa vớ vẩn, đã uống bia rượu thì gọi xe ôm, xe công nghệ mà về,... có chơi có chịu” – bạn đọc Dũng Phạm.

“Mỗi lần đo cứ đổi ống rồi người này đợi người kia, kẹt xe còn nhiều hơn nữa. Chưa tính đến việc lượng rác thải ra sẽ xử lý như thế nào, theo tôi tìm hiểu thì phễu hay ống thổi đều từ nhựa, xử lý như thế nào đây? Có phải đang đi ngược với việc bảo vệ môi trường không?” – bạn đọc Quốc Hưng.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM cho biết hiện CSGT sử dụng hai hình thức là đo định tính và đo định lượng.

Trước hết, người dân sẽ được đo định tính bằng cách nói hoặc phà hơi nhẹ vào thiết bị đo để phát hiện có cồn hay không. Nếu có cồn, CSGT áp dụng đo định lượng bằng cách sử dụng ống thổi một lần đối với người vi phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới