5 điểm mới của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức sửa đổi

Gần đây, PLOnhận được một số thắc mắc của bạn đọc xung quanh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức: Công chức nghỉ hưu có bị xóa tư cách chức vụ hay không? (bạn đọc Minh Thy); Kết quả đánh giá cán bộ công chức có được công khai ở nơi làm việc? (bạn đọc Lê Quân); Trường hợp nào thì viên chức được làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn (bạn đọc tulemi...@gmail.com).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với nhiều điểm mới đáng chú ý kể từ ngày 1-7-2020, ngày luật này có hiệu lực. Chúng tôi xin giới thiệu một số điểm mới của luật này nhằm giải đáp các thắc mắc nêu trên.

Cán bộ phường 4 (quận Tân Bình, TP.HCM) làm việc ngoài hành chính để phục vụ người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG 

Không tuyển mới “viên chức trọn đời"

Nếu như trước đây, Luật Viên chức quy định viên chức làm việc theo hai loại hợp đồng làm việc là hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn thì nay, Luật Viên chức mới thông qua đã bỏ loại hợp đồng không thời hạn với người được tuyển dụng làm viên chức từ 1-7-2020.

Như vậy, kể từ 1-7-2020, việc tuyển dụng viên chức vào làm việc chỉ được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng xác định thời hạn.

Tuy nhiên, luật cũng quy định viên chức được làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn nếu rơi vào ba trường hợp sau:

- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020.

- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức.

- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Công chức nghỉ hưu có thể bị kỷ luật “xóa tư cách chức vụ”

Theo đó, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy vào tính chất, mức độ sẽ phải chịu một trong các hình thức xử lý kỷ luật là: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Việc xử lý kỷ luật này gắn với hệ quả pháp lý tương ứng của hành vi vi phạm.

Kết quả đánh giá cán bộ, công chức được công khai ở nơi làm việc

Theo đó, căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ, công chức được phân loại thành 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và hhông hoàn thành nhiệm vụ.

Kết quả này được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến người được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ này công tác.

Thêm trường hợp được tuyển dụng vào công chức

Ngoài hình thức thi tuyển, luật còn bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp:

- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

- Người có tài năng.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp sau vào làm công chức:

- Viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Cán bộ, công chức cấp xã.

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu.

- Người đang giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp nhà nước: Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng trong doanh nghiệp nhà nước…

- Người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển về làm việc tại các cơ quan, tổ chức khác.

Phân loại, đánh giá viên chức cụ thể hơn

Nếu như trước đây, Điều 41 Luật Viên chức quy định việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… thì nay đã được quy định rõ theo từng công việc, sản phẩm cụ thể.

Đồng thời, mỗi ngành nghề lại có đặc thù riêng nên sẽ áp dụng một tiêu chuẩn với nội dung khác nhau khi đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Do đó, với quy định đánh giá viên chức dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với vị trí việc làm và thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể đã tạo sự rõ ràng, thuận lợi hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm