Cơ quan trả lời

Bảo hiểm y tế chi trả ra sao khi điều trị trái tuyến tỉnh?

Tôi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình và đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu ở tuyến huyện.

Cho tôi hỏi trường hợp nào thì người bệnh được BHYT chi trả 100% chi phí điều trị bệnh và trường hợp nào không được hưởng BHYT khi đi KCB trái tuyến tỉnh?

Bạn đọc Thanh Hằng (TP.HCM)

Người dân đến đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại BV Phạm Ngọc Thạch.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bảo hiểm xã hội TP.HCM trả lời: Từ ngày 1-1-2021, người bệnh có tham gia BHYT khi đến các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh được chỉ định nhập viện để điều trị nội trú thì được thanh toán 100% chi phí theo mức quyền lợi.

Tuy nhiên, nếu người bệnh có tham gia BHYT mà KCB ngoại trú trái tuyến tỉnh thì phải đóng 100% chi phí KCB.

Như vậy, một người sử dụng thẻ BHYT khi đăng ký KCB ban đầu là BV tuyến huyện, nếu điều trị nội trú tại BV tuyến tỉnh ở bất cứ tỉnh nào cũng không bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến như trước đây. Trường hợp này họ vẫn được hưởng BHYT 100% chi phí điều trị theo mức quyền lợi của người đó được hưởng.

Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý: Trước đây, đối với những trường hợp tham gia BHYT năm năm liên tục, khi điều trị ở BV tuyến tỉnh có giấy chuyển tuyến mà chi phí điều trị hơn sáu tháng lương cơ sở (lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng, tương đương 8.940.000 đồng) thì sẽ được miễn đồng chi trả khi đi đúng tuyến.

Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2021, đối với người bệnh điều trị trái tuyến tỉnh không có giấy chuyển tuyến dù vẫn được hưởng 100% mức quyền lợi hưởng BHYT nhưng lại không được cộng lũy kế để được miễn đồng chi trả.

Như vậy, đối với bệnh nhân tham gia BHYT khi KCB nếu có điều kiện thì nên xin giấy chuyển tuyến để được hưởng BHYT khi điều trị ngoại trú. Đồng thời khi có giấy chuyển tuyến này thì người bệnh sẽ được miễn đồng chi trả ở tuyến tỉnh nếu chi phí điều trị nhiều hơn sáu tháng lương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm