Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM có công văn hướng dẫn các địa phương rà soát, lập danh sách xét duyệt người có hoàn cảnh thực sự khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để chuẩn bị hỗ trợ đợt 3.
Để xác định người lao động (NLĐ) mất việc, gặp khó khăn, địa phương sẽ dựa trên danh sách NLĐ ngưng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp NLĐ ngay từ đầu dịch đến nay đã nghỉ việc không hưởng lương nhưng doanh nghiệp vẫn hỗ trợ đóng BHXH.
Cán bộ phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM trao tiền hỗ trợ đợt 2
cho người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG
Khó khăn vì mất việc hơn bốn tháng
Hơn bốn tháng nay, anh Nguyễn Quốc Hùng, ngụ quận Gò Vấp, phải nghỉ việc không hưởng lương vì công trình xây dựng nơi anh làm ngưng hoạt động do dịch bệnh.
Anh Hùng cho biết anh là lao động chính trong nhà. Trước đây, hằng tháng anh nhận được hơn 10 triệu đồng tiền lương, đủ để lo cho vợ và hai đứa con nhỏ. Từ ngày nghỉ do dịch, anh không có nguồn thu nhập, số tiền để dành lâu nay cũng đã xài hết. Đầu tháng 7, anh nghe thông tin TP có gói hỗ trợ cho NLĐ nghỉ việc không hưởng lương, anh đã liên hệ công ty để được nhận.
Tuy nhiên, công ty báo lại anh không đủ điều kiện được nhận. Lý do là vì để giúp NLĐ được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH trong những ngày nghỉ không lương, công ty đã tự bỏ tiền đóng BHXH cho anh hằng tháng.
Cũng theo anh Hùng, do hoàn cảnh gia đình đang quá khó khăn, sau đó anh đã liên hệ tổ trưởng dân phố để báo về trường hợp của mình nhằm được lập danh sách nhận hỗ trợ đợt 3. Tuy nhiên, sau khi lập danh sách, tổ trưởng cũng thông báo lại là những trường hợp nghỉ việc không lương mà vẫn đóng BHXH thì sẽ không được xét hỗ trợ đợt 3.
“Nghe mà buồn, tôi đã thất nghiệp hơn bốn tháng nay, bản thân lại là lao động chính trong gia đình và hiện rất cần hỗ trợ. Tôi nghĩ ngoài việc rà danh sách đóng BHXH thì cơ quan chức năng cũng nên xem xét những trường hợp cụ thể để có hướng giải quyết, giúp đỡ cho người dân” - anh Hùng chia sẻ.
Tương tự, chị NTL ở quận 12 nhiều tháng nay cũng nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch. Từ khi bùng phát dịch đến nay, dù gia đình chị gặp khó khăn nhưng chưa được nhận hỗ trợ bởi công ty vẫn hỗ trợ đóng BHXH cho chị hằng tháng.
“Dịch bệnh ai cũng khó khăn, đặc biệt là những NLĐ mất việc, không có nguồn thu nhập. Công ty tôi cũng gặp khó khăn do phải ngưng hoạt động nhưng vẫn trích đóng BHXH, BHYT cho NLĐ đã là quý lắm rồi. Tôi cũng mong TP xem xét những trường hợp nghỉ việc không lương, được công ty hỗ trợ đóng BHXH hằng tháng vẫn thuộc đối tượng xem xét nhận hỗ trợ đợt 3 nếu có khó khăn thật sự” - chị L mong mỏi.
Đóng BHXH để giữ chân người lao động
Lý giải vì sao NLĐ nghỉ việc không hưởng lương nhưng công ty vẫn đóng các khoản BHXH cho NLĐ, ông NTH, Giám đốc một công ty xây dựng ở quận 10, cho biết việc cho NLĐ nghỉ việc không lương là điều mà công ty không hề mong muốn.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh hiện nay và công ty cũng đang gặp khó khăn nên không còn nguồn tiền để hỗ trợ trả lương cho NLĐ hằng tháng. Để duy trì giá trị thẻ BHYT, đảm bảo những quyền lợi BHXH sau này, dù NLĐ nghỉ việc nhưng công ty vẫn quyết định tiếp tục đóng BHXH, BHYT cho NLĐ.
“Tôi cũng muốn hỗ trợ nhiều hơn để giữ chân NLĐ nhưng lại không có khả năng. Dù có quy định NLĐ nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày trở lên thì NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH tháng đó. Tôi nghĩ thời gian dịch bệnh này nếu NLĐ không được đóng BHYT, BHXH lỡ có vấn đề về sức khỏe thì rất khổ cho họ” - ông H cho biết thêm.
Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết TP có giao nhiệm vụ cho cơ quan BHXH hướng dẫn các cơ quan BHXH quận, huyện, TP Thủ Đức lập danh sách các nhóm hỗ trợ. Cụ thể, gồm người dân hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người đang hưởng lương tháng 8 và có tham gia BHXH trên địa bàn để gửi về xã, phường, thị trấn.
Hiện cơ quan BHXH đã lập danh sách các nhóm được nhận hỗ trợ và chuyển về UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.HCM.
Theo ông Mến, những trường hợp nghỉ việc, ngưng việc mà công ty vẫn đóng BHXH thì không thuộc diện được hưởng hỗ trợ. Bởi việc đóng BHXH được hiểu là công ty vẫn đang trả lương cho NLĐ.
Nếu thực tế NLĐ nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động mà công ty không trả lương nhưng vẫn hỗ trợ đóng BHXH cho NLĐ thì cơ quan BHXH không thể quản lý. Bởi cơ quan BHXH quản lý và xác định NLĐ có hưởng lương sẽ dựa trên cơ sở có đang đóng BHXH hay không.•