Không cho tiền học, sao đòi quản lý?

LTS: Rất nhiều bạn đọc cho rằng dự thảo “Quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài” đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo để trình Thủ tướng ký ban hành không hợp lý, không khả thi. Đa số đề nghị nhà nước chỉ nên quản lý những lưu học sinh đi học bằng tiền ngân sách.

Buộc về nước nhưng có đảm bảo công việc?

Con trai tôi đang du học tại Singapore với học bổng 100.000 USD cho bốn năm học phổ thông (lớp 9, 10, 11, 12) do chính phủ nước sở tại cấp. Theo quy định của nước này, nếu một năm học không đạt tiêu chuẩn thì cháu phải về nước và gia đình phải bồi thường chi phí đào tạo.

Học xong phổ thông, nếu không tìm được học bổng vào các trường đại học của Singapore thì cháu được nước họ cho vay 80% với điều kiện sau khi tốt nghiệp đại học cháu phải làm việc cho nước họ ít nhất ba năm để trả hết nợ. Trường hợp lấy được học bổng đi du học ở nước khác thì Singapore sẽ tiếp tục tài trợ lưu học sinh kèm theo điều kiện sau khi công thành danh toại thì phải ở lại làm việc cho Singapore sáu năm.

Không cho tiền học, sao đòi quản lý? ảnh 1

Đa số người dân đồng tình chỉ nên quản lý lưu học sinh đi học bằng tiền ngân sách. Trong ảnh: Một du học sinh đang thảo luận với bạn học tại Singapore. Ảnh minh họa HTD

Nêu chi tiết vậy để thấy nghĩa vụ phải đi đôi với quyền lợi. Khi đồng ý cấp học bổng (tiền) cho lưu học sinh học thì chính quyền nước ngoài có quyền yêu cầu lưu học sinh ở lại trong một thời gian nhất định để phục vụ nước họ. Tất nhiên, khi chấp nhận ở lại thì lưu học sinh có thể yên tâm về công ăn việc làm sắp tới theo hướng vừa có thu nhập cao, vừa có cơ hội thăng tiến. Trước mắt, họ cũng có quyền đòi hỏi lưu học sinh học thật tốt và nếu không cố gắng hợp tác thì phải bồi thường theo thỏa thuận.

Nếu không làm được như vậy (cả việc cấp tiền lẫn việc đảm bảo việc làm tương xứng với bằng đại học được nước ngoài cấp), Chính phủ Việt Nam không có cơ sở nào để giành quyền quản lý tất cả lưu học sinh.

Có thêm một chi tiết này: Cùng đi du học tự túc nhưng có người thành đạt, có người phải quay về với con số 0. Vậy yêu cầu các lưu học sinh báo cáo về nước kết quả học tập để làm gì? Chẳng lẽ nhà nước sẽ có biện pháp giúp đỡ các em học kém? Phải xác định tính mục đích để việc báo cáo không mang tính hình thức vô bổ. Ngoài ra, trong việc thu thuế, tôi được biết Chính phủ Việt Nam có ký với chính phủ một số nước hiệp định tránh đánh thuế trùng. Quy chế phải tính đến việc này để các lưu học sinh không bị thuế chồng thuế.

NGUYỄN THANH PHONG (Quận 1)

Chế tài cách nào?

Theo khoản 9 Điều 5 của dự thảo quy chế, lưu học sinh vi phạm các nghĩa vụ liên quan (như phải chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; phải báo cáo tình hình học tập, nghiên cứu...) sẽ bị xem xét xử lý vi phạm theo quy định hiện hành. Vấn đề đặt ra ở đây: Các cơ quan thẩm quyền có quản lý được các lưu học sinh đi theo diện tự túc hay không? Nếu trước khi du học mà các đối tượng này không khai báo, không cắt hộ khẩu; rồi sau đó không báo cáo, không về nước thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Thiết nghĩ, khi điều kiện trong nước còn hạn chế, không thể thu nạp một số ngành nghề kỹ thuật cao thì việc lưu học sinh phát triển, thăng hoa ở nước ngoài cũng là niềm tự hào cho đất nước. Nếu khư khư buộc phải về nước thì Việt Nam đã không có nghệ sĩ Đặng Thái Sơn hay nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu...

Để không chảy máu chất xám, nhà nước có thể đòi hỏi các đối tượng đi du học bằng tiền ngân sách phải báo cáo, phải trở về nước phục vụ. Điều này thể hiện một quan hệ sòng phẳng, được hưởng đặc ân thì phải có nghĩa vụ tương thích. Riêng với các đối tượng du học tự túc, khi họ đã tự bỏ tiền ra để đầu tư cho tương lai của bản thân thì họ phải được tự lựa chọn nơi làm việc miễn không vi phạm pháp luật.

PHƯƠNG TRÂM (TP.HCM)

Quy định thiếu căn cứ

Có hai đối tượng cần xem xét ở đây là lưu học sinh đi học bằng tiền ngân sách nhà nước và lưu học sinh đi học bằng tiền túi. Đối với đối tượng thứ nhất, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn biết kết quả học tập của lưu học sinh thì phải có thỏa thuận trước với trường nước ngoài nơi lưu học sinh đến học. Do vậy, việc buộc lưu học sinh phải báo cáo là không khả thi. Đối với đối tượng thứ hai, nếu tự bỏ tiền ra đi học thì họ có quyền tự do học tập, tự do đi lại theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài. Việc đề ra những ràng buộc cho đối tượng này là không phù hợp.

Cơ sở nào để quy định lưu học sinh phải về nước sau ba năm tốt nghiệp? Mặt khác, nếu ở nước ngoài mà lưu học sinh làm tốt, phát huy được khả năng thì sao bắt họ về?

Tiến sĩ TRƯƠNG QUANG ĐƯỢC (Hiệu phó Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM)

Phải có nghệ thuật lưu giữ người tài

Dự thảo hướng đến việc quản lý thành phần trí thức chất lượng cao nhưng một số nội dung mang nặng tính áp đặt, không có tác dụng lưu giữ người tài. Xin nhớ khi có lòng yêu nước thì dù ở cương vị nào, ở bất cứ đâu người ta cũng có thể phục vụ đất nước chứ không nhất thiết phải trở về nước.

Là một phụ huynh có hai con đang du học tự túc ở nước ngoài, tôi nhận thấy việc dùng biện pháp hành chính để bắt buộc các em phải trở về nước là không khả thi. Bởi lẽ khi đã học hành thành tài thì người ta có quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp với khả năng, sở thích và có thu nhập cao. Ngay trong nước, nhiều người cũng nộp đơn nhiều nơi nhưng sau cùng họ chỉ chọn nơi nào có nhiều điều kiện thuận lợi nhất, trong đó có yếu tố sẽ được trọng dụng, sẽ có khả năng thăng tiến.

ĐẠI PHƯỚC (273/18 Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM)

TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Tránh làm hạn chế quyền công dân của lưu học sinh

Theo tôi, việc ban hành quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài là rất cần thiết. Bởi đến nay số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài khá nhiều và lâu nay hầu như chúng ta chưa quản lý được. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản phải cân nhắc, đưa ra những nội dung khả thi, tránh hạn chế quyền công dân của anh chị em.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa bản dự thảo lên website để lấy ý kiến đóng góp là cần thiết. Tôi cho rằng qua sự góp ý, có thể Bộ sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện văn bản tốt hơn. Ví dụ, Điều 9 dự thảo yêu cầu kể từ ngày tốt nghiệp, lưu học sinh được ở lại làm việc ở nước sở tại không quá ba năm.

Theo tôi, quy định này là không cần thiết. Những lưu học sinh đi học bằng học bổng của nhà nước, hết thời hạn phải trở về là đúng rồi. Còn những người du học tự túc, giả sử họ ở lại làm việc ở nước ngoài ba năm hoặc hơn ba năm, có kinh nghiệm, có vị trí thì họ sẽ đóng góp cho đất nước hiệu quả hơn. Không nhất thiết phải về nước mới là đóng góp.

Dự thảo cũng yêu cầu lưu học sinh tự túc phải gửi hồ sơ kết thúc khóa học tới UBND các tỉnh. Từ trước tới nay, thị trường lao động vẫn theo cơ chế riêng, ngoài các cơ quan nhà nước còn có các doanh nghiệp tư nhân, liên doanh với nước ngoài. Nếu lưu học sinh về nước muốn xin việc ở các doanh nghiệp này thì họ phải tuân theo quy định của đơn vị sử dụng lao động.

Nếu đơn vị sử dụng lao động yêu cầu phải có xác nhận của đại sứ quán hay cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì lưu học sinh phải xin xác nhận, nếu không thì thôi. Còn nếu họ đã cắt hộ khẩu ở địa phương, bây giờ thủ tục, giấy tờ đầy đủ thì nhập lại cho họ. Theo tôi, đặt thêm một thủ tục hành chính như trên là thừa.

BẢO PHƯỢNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm