Không thể dung tha “tội” đạo văn

Theo tôi, không khó để bắt tận tay, day tận trán việc đạo văn hay đạo học thuật. Nay, Hồ Bất Khuất trong bài ““Đạo trí tuệ” - Kẻ cắp nhiều nhưng khó bắt” (Vietnamnet) lại nói rằng dẫu biết nhưng hạch tội, luận tội là điều không dễ chút nào. Có thật như vậy không?

Trước khi viết bài này, tôi có lướt qua blog của nhạc sĩ-nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Trong bài viết “Câu thơ hay được tôn vinh là của ai?”, Nguyễn Trọng Tạo kể chuyện hai câu thơ hay (trong số 50 câu thơ hay nhất từ cổ chí kim) được Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh mới đây được ghi là của Vũ Toàn nhưng thật ra đã nằm trong tập thơ Mùa na chín của Lê Thái Sơn in từ năm 1997: Những mùa hoa Đại trắng/ Tiếng mõ chừng cũng thơm. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn cho biết rằng khi đem thắc mắc đó hỏi Vũ Toàn, Toàn nói “hình như em cũng có làm hai câu thơ đó” (!). Nhưng sự thật thì chính Vũ Toàn đã “biên tập” chúng rồi nhận là… của mình.

Không thể dung tha “tội” đạo văn ảnh 1

Lịch sử phát minh nhân loại từng chứng kiến rất nhiều phát minh chỉ công bố chậm hơn người khác vài giờ đồng hồ đã biến thành quả nghiên cứu hàng chục năm trời thành cát bụi. Lỗi giản dị thôi: Đã đến sau, dẫu chỉ vài phút thì mọi phát minh được xem là đạo. Dù vô tình hay cố ý thì vẫn là đạo. Người đời thông cảm cho những kẻ kém may mắn đó nhưng cũng phải tin rằng như thế là đúng bởi chẳng hơi đâu tranh cãi ai đạo của ai. Cái hay của luật pháp là không phân giải những éo le, uẩn khúc của cuộc đời mà căn cứ vào tính xác thực của chứng cứ trước và sau. Một khi chúng ta mặc nhiên công nhận định đề hay nguyên tắc trên thì mọi chuyện thật dễ dàng.

Không thể có chuyện hai nhà thơ bỗng dưng nghĩ ra hai câu thơ giống hệt nhau. Cũng không thể có chuyện tư tưởng dẫu lớn cỡ nào đi nữa lại giống nhau đến từng chữ, từng dấu phẩy trong một đoạn văn. Đó chỉ là lời bào chữa vụng về cho những ai thích đạo văn, thích vơ vào cho mình sáng tạo của người khác.

Về việc xử lý “tội” đạo văn, theo tôi, ít thì xin lỗi công khai, nhiều thì phải nhận kỷ luật, nặng hơn nữa thì phải tước bằng cấp, đuổi việc, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong pháp luật phương Tây, do biết rõ việc khảo tội quan chức cao cấp trong chính phủ là rất khó nên việc này không giao cho tòa án mà giao cho nghị viện xét xử, gọi là đàn hạch. Ở ta, e rằng cũng rất khó luận tội các nhà văn, các GS, TS cũng như quan chức cao cấp. Vậy tại sao lại không sinh ra đàn hạch để phân biệt rõ trắng đen? Một khi đã có kết luận từ đàn hạch thì kẻ có lỗi phải tự xử. Thay vì “chín bỏ làm mười” mọi sự dối trá, lọc lừa, trước mắt chúng ta có thể thành lập một hội đồng với thành phần là các “nghị sĩ” uy tín trong giới trí thức để xử lý việc này. Bởi lẽ “huề tiền”, “nhà ngói như nhà tranh”… là cội nguồn của mọi sự tha hóa về đạo đức trí thức. Thử hình dung một người thầy, một nhà văn mà cứ đạo lung tung thì khi nói, học trò có nghe không? Và ai dám chắc trò sẽ không học theo thầy?

Không thể tha thứ cho mọi sự đạo văn, đạo học thuật bằng bất kỳ cách thức biện minh nào. Việc dung túng và khỏa lấp những chuyện như thế đồng nghĩa với việc chấp nhận bị lừa lọc. Làm sao có thể tha thứ cho những mũ áo cao sang, khệnh khạng cứ lừa dối con người hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là con đường ngắn nhất để vùi dập sự trong sáng và tốt đẹp của sáng tạo, nhận thức.

HÀ VĂN THỊNH (Đại học Khoa học Huế)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm