Kiên Giang: Hàng trăm người sụp bẫy lãi suất cao

Hơn tháng nay, hàng trăm người dân ngụ xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang gần như chết đứng khi ông Vũ Văn Rồng (ấp Tân Hòa B) bất ngờ biến mất khỏi địa phương, mang theo hàng trăm tỷ đồng vay mượn của họ.

Huy động tiền bằng lãi suất cao

Mười năm trước đây, ông Rồng (sinh năm 1963, còn gọi là Phước Rồng) thường lân la ở các ngân hàng đóng trên địa bàn huyện Tân Hiệp để viết đơn thuê cho những người đến giao dịch. Lâu rồi thành quen, các cư dân trong xã thường nhờ ông viết đơn và làm giúp các thủ tục hành chính khác.

Sau khi tạo dựng được “tên tuổi”, Rồng bắt đầu rỉ tai với nhiều người về việc huy động vốn với lãi suất hàng tháng cao hơn gấp nhiều lần so với lãi suất của ngân hàng. Cụ thể, Rồng sẽ trả lãi từ 4,8% trở lên (tùy trường hợp) và lãi suất của tháng đầu tiên sẽ được trả ngay sau khi Rồng nhận tiền. Thời gian đầu, Rồng chi trả lãi rất sòng phẳng. Có lẽ vậy mà thông tin trên dần lan xa... Mặc dù chẳng rõ Rồng huy động tiền để làm gì, khả năng đầu tư ra sao mà có thể trả lãi ngất trời nhưng ngày càng có nhiều người đến gửi tiền cho Rồng. Ban đầu chỉ vài chục triệu đồng, rồi đến hàng trăm triệu đồng và gần đây có nhiều người góp đến vài tỷ đồng.

Khi nhận tiền, Rồng đều giao tờ biên nhận, lúc ký tên là Vũ Văn Rồng, lúc lại ký là Vũ Văn Phước. Có người do quá tin tưởng đã không thèm nhận biên nhận.

Hàng trăm người mắc bẫy

Ngoài một số ít người khá giả có tiền nhàn rỗi, đa số người dân ở xã trên đều là dân nghèo, mưu sinh bằng nghề trồng lúa và lao động chân tay. Một, hai trăm triệu đồng là khoản tiền lớn cả đời tích cóp, giành giụm... Để có tiền đưa cho Rồng, nhiều người đã thế chấp đất cho người quen hoặc ngân hàng rồi sau đó cho Rồng vay lại số tiền mà họ đã vay nhằm hưởng lãi suất chênh lệch.

Gặp PV Pháp Luật TP.HCM, ông TQK, một người ở gần nhà Rồng, cho biết ông đã đưa cho Rồng 800 triệu đồng. Theo ông, số tiền trên vẫn còn ít so với nhiều người khác. Bà Châu (cùng ngụ xã Tân Hòa B) - họ hàng của Rồng cũng đã cho Rồng mượn năm “giấy đỏ” của gia đình bà để đi cầm. Bà Châu than thở: “Gia đình tôi giờ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Với cả thảy 12 ha đất, tôi dự định bán bớt 9 ha vẫn chưa đủ để trả nợ. Vì là anh em nên tôi đưa “giấy đỏ” cho Rồng mượn mà không cầm giấy biên nhận...”. Tuy bà không muốn nói về tổng số tiền bị lừa nhưng theo ước tính của chúng tôi, 9 ha ruộng của bà trị giá hơn ba tỷ đồng.

Có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm?

Hiện chưa thể thống kê chính xác số lượng nạn nhân của ông Rồng. Ngại không lấy được tiền, một số người đã buông xuôi và không muốn đến trình báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo các thông tin ban đầu mà chúng tôi thu thập được, đáng kể hơn cả vẫn là số nạn nhân ở ấp Tân Hòa B (nơi ông Rồng cư ngụ). Toàn ấp có 465 hộ thì hết 265 hộ đã bị lừa.

Theo trung tá Nguyễn Minh Tiến, Đội trưởng Đội Điều tra kinh tế-chức vụ, Công an huyện Tân Hiệp, tính đến nay chỉ có 18 người đến tố giác Rồng đã thu gom của họ hơn năm tỷ đồng. Sau khi chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh Kiên Giang, công an huyện đang phối hợp với công an tỉnh điều tra vụ việc.

Với việc chiếm đoạt hơn năm tỷ đồng (tạm cho là vậy) rồi bỏ trốn, nhiều ý kiến cho rằng ông Rồng đã có hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 140 Bộ luật Hình sự. Song tại thời điểm này thì Công an Kiên Giang vẫn chưa ra quyết định khởi tố vụ án. Qua tìm hiểu sơ bộ, chúng tôi được biết các cơ quan pháp luật của tỉnh này còn băn khoăn, chưa thống nhất được đây là vụ việc dân sự hay hình sự.

MINH HIẾU - VĂN ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm