Làm việc đã 15 tháng mà chưa có lương

Đến năm 1995, chị mới được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn, cụ thể là ba năm. Tính đến nay, chị đã liên tục làm việc tại công ty này được 23 năm mà vẫn chưa được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Cuối năm 2007, bất ngờ chị Diệp được công ty gửi thông báo yêu cầu đến nhận hồ sơ lao động để chuyển sang công tác tại cơ quan mới (là đơn vị đang thuê cửa hàng của công ty). Văn bản này cũng nêu: Chị Diệp đã hết hạn hợp đồng và công ty không ký tiếp hợp đồng lao động với chị. Không đồng ý, chị Diệp vẫn tiếp tục làm việc tại nơi làm việc cũ và khiếu nại quyết định này.

Từ tháng 11-2007 đến nay, chị Diệp vẫn làm việc pha chế đồ uống tại một cửa hàng của công ty nhưng không được công ty trả lương.

Cuối tháng 11-2008, đơn khiếu nại của chị Diệp đã được Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội giải quyết. Đơn vị này khẳng định nội dung chị Diệp khiếu nại là đúng, công ty trên có trách nhiệm tiếp tục thanh toán tiền lương và trích nộp bảo hiểm xã hội cho chị Diệp. Thế nhưng đã hơn ba tháng sau khi quyết định của Thanh tra Sở có hiệu lực, công ty vẫn không chấp hành. Trong thời gian chờ đợi, chị Diệp vẫn tiếp tục đi làm không lương, phải sống nhờ vào gia đình.

Theo luật sư Nguyễn Thế Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), công ty trên đã vi phạm Bộ luật Lao động khi cho rằng chị Diệp đã hết hạn hợp đồng lao động. Khi hợp đồng xác định thời hạn của chị Diệp đã hết hạn mà chị vẫn tiếp tục làm việc thì hợp đồng ấy đương nhiên chuyển thành hợp đồng không xác định thời hạn. Muốn cho chị thôi việc, doanh nghiệp phải làm đúng các thủ tục quy định (báo trước ít nhất 45 ngày, giải quyết trợ cấp thôi việc) chứ không thể “phủi tay” với chị.

Luật sư Thế Anh cũng cho biết để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình, chị Diệp và những người lao động gặp tình huống tương tự có thể khởi kiện bên sử dụng lao động ra trước TAND cấp huyện để được xem xét, giải quyết vụ việc.

MAI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm