Mưa ngập hầm làm hư chiếc Mercedes: Bảo hiểm có phải bồi thường?

Chiều 1-8-2008, cơn mưa lớn đã làm tầng hầm của tòa nhà Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (số 75 Hồ Hảo Hớn, quận 1, TP.HCM) bị ngập nước. Kéo theo đó, chiếc Mercedes đời C-231 đang nằm ở tầng hầm (trị giá hơn một tỷ đồng) bị hư hỏng nặng. Sự cố này đã làm phát sinh tranh chấp giữa ngân hàng với Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA về trách nhiệm bồi thường các thiệt hại liên quan.

Cả trăm triệu đồng “trôi” theo mưa

Theo tường trình của Ngân hàng Đại Tín, 16 giờ hôm đó thì trời bắt đầu mưa. Khoảng nửa tiếng sau, nước tràn ngập đường phố và chảy vào tầng hầm của ngân hàng. Đến 17 giờ, tầng hầm đã bị ngập trong nước khoảng 0,5 m. Mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng vì mực nước cứ dâng cao và độ dốc của tầng hầm khá lớn nên các nhân viên của ngân hàng đã không thể đưa chiếc Mercedes ra khỏi tầng hầm. Chỉ một lát sau, nước trong hầm đã dâng lên hơn 1 m làm hệ thống dẫn điện của tòa nhà bị ngập trong nước. Bấy giờ, toàn bộ nhân viên của ngân hàng buộc phải sơ tán để tránh các rủi ro về điện.

Chiều hôm sau, đại diện của công ty bảo hiểm đã đến ngân hàng để điều tra vụ việc. Kết quả làm việc giữa các bên cho thấy ngân hàng đã bị thiệt hại 305 triệu đồng từ các hư hỏng của chiếc Mercedes.

Có phải là rủi ro bất ngờ?

Tuy nhiên, theo nhận định của công ty bảo hiểm thì rủi ro ngập nước gây thiệt hại cho chiếc Mercedes nêu trên không thuộc phạm vi bảo hiểm mà hai bên đã ký kết. Bởi lẽ, theo dự báo trước đó của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thì chiều 1-8 tại TP.HCM có mưa trên diện rộng, nhiều nơi mưa rất to. Cạnh đó, theo những ghi nhận tại hiện trường thì đó không phải là sự cố bất khả kháng.

Dựa vào những lý do này, công ty bảo hiểm từ chối bồi thường số tiền trên cho ngân hàng. Thay vào đó, để giúp đỡ ngân hàng khắc phục một phần thiệt hại, công ty bảo hiểm chấp nhận hỗ trợ cho ngân hàng 50 triệu đồng. Gần đây, lại lần nữa công ty bảo hiểm tái khẳng định “không bồi thường” với lý lẽ “rủi ro ngập nước tại tầng hầm tòa nhà do nước mưa từ ngoài đường tràn vào làm ngập tầng hầm không phải là rủi ro bất ngờ”.

Ngược lại, phía ngân hàng vẫn tiếp tục kiên trì đòi công ty bảo hiểm phải bồi thường với lý do “đó là rủi ro bất ngờ”. Hiện ngân hàng đang chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để khởi kiện công ty bảo hiểm ra tòa.

Theo khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Vậy theo bạn, giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm thì ai đúng, ai sai?

Ông Trần Sơn Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín:

Không thể lường trước diễn tiến

Nếu mỗi lần trời mưa mà tầng hầm của tòa nhà đều bị ngập nước thì sự cố gây hư hỏng chiếc Mercedes nêu trên mới không bất ngờ. Ngoài ra, khi trời bắt đầu mưa, không ai có thể biết rằng chỉ một tiếng đồng hồ sau đó thì tầng hầm sẽ bị ngập sâu nên cũng không ai vội tính đến việc dời xe từ tầng hầm ra ngoài đường để thoát nạn.

Ông Phạm Trường Khê, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm AAA:

Vẫn còn thời gian để đối phó

Với loại hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới đã ký kết, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường cho những trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ không thể lường trước được. Ví dụ: đâm va, lật đổ, hỏa hoạn, những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên (bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá), mất xe và một số rủi ro bất ngờ khác. Như trường hợp ngập lụt trên diện rộng tại Hà Nội vừa qua, xe đang chạy bị lạc tay lái gây tai nạn, xe bị cây đổ đè nên gây hư hại..., chủ phương tiện sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại.

Ở trường hợp cụ thể của Ngân hàng Đại Tín, không thể cho đó là rủi ro bất ngờ vì ngoài dự báo thời tiết về trời mưa trước đó thì tính từ lúc nước bắt đầu tràn vào tầng hầm cho đến lúc dâng lên đến 0,5 m cũng phải 30 phút. Với khoảng thời gian này, ngân hàng thừa khả năng mang xe ra ngoài cho an toàn hơn.


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên độc giả: LS. Trần Đình Bảo Quốc (Đoàn Luật sư TP. HCM)

Địa chỉ: Lạc Long Quân, Q. 11, TP. HCM

Điện thoại: 0933560...

Email: tranquoclegal@...

Nội dung:

Theo khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự, một sự kiện khi xảy ra được xem là bất khả kháng phải có đủ các yếu tố cấu thành là: tính khách quan (không do con người gây ra và nằm ngoài ý chí, ý muốn của con người), tính không tiên liệu được về sự kiện đó và tính không thể khắc phục. Các yếu tố này phải đáp ứng điều kiện là mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép đã được áp dụng để khắc phục sự kiện bất khả kháng đó. Do vậy, lập luận của ngân hàng là không có cơ sở vì các lý do sau.

- Thứ nhất, gió mưa đúng là chuyện … của trời, xảy ra một cách khách quan ngoài ý muốn của chúng ta. Nhưng chuyện ngập đầy nước mưa trên đường phố thì không thể và không bao giờ là khách quan được. Chuyện phố xá ngập đầy nước mưa là do chính con người gây ra vì nhiều lý do nào đó. Sự kiện bất khả kháng ở đây phải xác định là sự kiện ngập lụt đường xá, chứ không phải là các cơn mưa. Lẽ tất nhiên, các cơn mưa là nguyên nhân gây ra nạn ngập lụt. Nhưng ngập lụt thoát quá chậm hay không thoát được ra khỏi đô thị là do lỗi con người gây ra. Do đó, sự cố ngập lụt xảy ra là do lỗi chủ quan của con người.

- Thứ hai, sự cố ngập lụt tràn vào nhà, ngập đầy tầng hầm của các toà nhà là có thể lường trước được. Bởi lẽ, ngoại trừ lũ (lũ ống, lũ quét), ngập lụt xảy ra trong đô thị thì không quá bất ngờ, đột ngột đến độ mọi người không kịp trở tay. Mặc khác, nước dâng lên tràn vào nhà với tốc độ từ từ cơ mà. Khi ngân hàng thấy cơn mưa to, kèm theo hiện tượng nước ngập ngoài phố bắt đầu tràn vào tầng hầm. Họ có thể tiên liệu tình hình xấu là toàn bộ khu tầng hầm sẽ bị ngập nước. Do đó, khi ngân hàng chủ quan để cho nước ngập lên cao đến độ chiếc xe không thể khởi động máy được thì rõ là đây là lỗi chủ quan của ngân hàng rồi.

- Thứ ba, vậy thì ngân hàng đã làm hết sức mình để khắc phục tình trạng này chưa? Bài viết cho thấy các nhân viên ngân hàng đã cố gắng hết sức. Với lý do, đường lên xuống tầng hầm có độ dốc quá cao nên nhân viên ngân hàng không thể đưa chiếc Mercedes ra khỏi tầng hầm. Vậy sao không gọi đội cứu hộ giao thông đến trợ giúp? Sao không dùng một chiếc xe khác của ngân hàng (nếu có) để kéo "người anh em" của nó lên? Hay sao không thuê xe tải loại trung đến kéo, thậm chí có thể nhờ xe hàng xóm ở gần ngân hàng đến giúp sức?!

- Sau cùng, tôi muốn bàn đến tính bất ngờ của sự kiện. Khi một sự kiện xảy ra không bất ngờ thì có lẽ không có lý do gì để đề cập đến sự việc đó nữa. Lập luận trên của ngân hàng cho thấy lỗi chủ quan của ngân hàng trong việc chậm trễ ứng cứu chính tài sản của mình. Không lẽ, khi lụt lội dâng lên quá đầu gối rồi mà "anh" vẫn không việc gì phải "vội" sao?

Như vậy, chúng ta thấy rằng đây không phải là tình huống hay sự kiện bất khả kháng. Đây là tình huống có thể lường trước và khắc phục được. Ngân hàng do chủ quan đã chậm trễ và không làm hết khả năng trong việc cứu hộ chiếc xe - tài sản của ngân hàng. Do đó, công ty bảo hiểm không đồng ý bồi thường theo hợp đồng mà chỉ hỗ trợ là đúng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ 50 triệu đồng quá thấp so với mức thiệt hại cũng như giá trị tài sản bị ngâm nước.

MINH HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm