Đa số lao động tự do như xe ôm, hàng rong, nhặt ve chai… đều đã lớn tuổi, khó tìm việc làm ổn định. Sau thời gian nghỉ giãn cách dài do dịch COVID-19, với thu nhập bấp bênh, họ phải cố gắng làm việc đến nửa đêm, thậm chí đến rạng sáng hôm sau...
Lam lũ trong đêm
TP.HCM những ngày trở lạnh, vợ chồng ông Mai Ngọc Sơn (63 tuổi) và Vũ Thị Năm (62 tuổi, cùng ngụ quận 8) vẫn đều đặn ra vỉa hè đường Pasteur (phường Bến Nghé, quận 1) làm việc. Bà Năm bán nước giải khát, còn ông Sơn chạy xe ôm truyền thống. Một ngày kiếm chẳng nhiều nhặn gì nhưng cả hai cứ cố làm, ngày nào cũng nửa đêm mới về nhà.
Ông Sơn được tặng áo khoác khi đang ngồi chờ khách đi xe ôm. Ảnh: NGỌC LÀI
Bà Năm nói bản thân mắc bệnh suyễn và tim mạch, làm lâu sẽ thấy mệt nhưng chẳng dám nghỉ dù chỉ một ngày.
“Hôm nào có nhiều khách, kiếm đủ tiền chợ thì tôi về sớm. Bữa nào ít khách, tôi ráng nán lại đến khuya” – bà Năm chia sẻ.
Ngồi cạnh bà Năm, ông Sơn thở dài, nói suốt mùa dịch, vợ chồng ông chỉ biết nằm nhà, không làm gì ra tiền. Đến khi hết giãn cách, người đi xe ôm cũng thưa thớt cho nên ngày nào cũng ngồi đến khuya.
“Có ngày, tôi ngồi từ sáng đến khuya cũng không được cuốc nào” – ông Sơn buồn bã chia sẻ.
Cùng trên đường Pasteur, ông Bùi Văn Hiệp (63 tuổi, ngụ quận 4) chạy xe ôm cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Ông Hiệp rời quê lên TP đã được gần 5 năm. Ông đang ở tạm tại nhà người cháu. Mỗi ngày, ông đều đặn có mặt ở địa điểm quen thuộc để chờ khách.
“Mấy nay ế quá, không có khách đi xe. Nhưng người Sài Gòn thương người lắm. Tôi ngồi ở đây, mỗi ngày đều có người mang cơm để tặng miễn phí” – ông Hiệp cho biết.
Cũng có con cái nhưng ông Hiệp nói các con của ông đều nghèo, sống bằng nghề thợ hồ. Họ không đủ điều kiện để lo cho ông. Vì vậy, ông không hề trách hờn các con.
Tối nào ông Gõ (áo trắng, không mũ bảo hiểm) cũng lang thang, nhặt ve chai. Ảnh: NGỌC LÀI
Ông Phan Văn Gõ (55 tuổi, ngụ quận 7) cũng lủi thủi mưu sinh một mình. Vợ ông Gõ vừa mất hồi tháng 7-2021, bỏ lại con thơ mới 7 tuổi.
Ngày nào, ông Gõ cũng đẩy xe đi nhặt ve chai đến 2 giờ sáng. Tiền kiếm được ông đều để dành lo cho con và trả nợ tiền trọ.
Lấy áo mưa làm áo ấm
Ông Nguyễn Văn Lượm (71 tuổi, ngụ quận 5) có hơn 40 năm vá sửa xe ở góc đường Hai Bà Trưng, quận 1. Trong suốt thời gian đã trải qua, chưa năm nào ông thấy cuộc sống khó khăn như hiện tại. Mùa dịch, ông và vợ đều thất nghiệp, chỉ biết trông chờ chính quyền và mạnh thường quân hỗ trợ.
Đã hơn 21 giờ, nhưng ông Lượm còn mặc chiếc áo đầy dầu nhớt và chưa dám nghỉ ngơi. Ảnh: NGỌC LÀI
Hết giãn cách, ông trở lại góc đường quen thuộc để mưu sinh thì lượng khách ngày càng thưa thớt. Bởi vậy, ông cố gắng nán lại đến khuya mới nghỉ. Những hôm TP trở lạnh, ông lấy áo mưa quấn cho ấm.
Khổ là vậy nhưng bữa nào không được đi làm, ông buồn kinh khủng; nhất là khi TP về đêm, không khí se lạnh làm bàng bạc không gian.
Chiếc xích lô vừa để mưu sinh vừa làm giường ngủ của ông Hạnh. Ảnh: NGỌC LÀI
Cũng vì mê cái không khí se lạnh của TP, ông Trần Hữu Hạnh (63 tuổi, ngụ quận 5) “bỏ nhà” đi bụi. Ông Hạnh tâm sự ông có nhà cửa hẳn hoi nhưng rất đông anh em sống chung. Vì vậy, ban ngày ông chạy xích lô, ban đêm ông đến khu vực cầu bộ hành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nghỉ ngơi. Chiếc xích lô dùng để mưu sinh, trở thành chiếc giường êm ái cho ông lão chọn đường phố làm nhà.
Mấy nay, ông cũng gặp cảnh ế ẩm, chủ yếu chở hàng cho các mối quen, hiếm hoi lắm mới có khách du lịch thuê xe. Vậy mà, câu chuyện ông kể không có chút nào buồn lòng.
Ông Hạnh đã quen với những vất vả mưu sinh trong đêm. Ảnh: NGỌC LÀI
Ông nói: “Ở TP này không sợ đói, có người cho đồ ăn liên tục. Tôi chỉ mong mình đủ khỏe để cứ vậy mà thong dong…”.
Thoát COVID-19, trở về bán vé số mưu sinh Ông Ngô Như Thạch 58 tuổi, quê ở tỉnh Phú Yên, tạm trú ở quận 4, cho biết: “Hiện tại, do dịch nên bán vé số không được như trước nhưng cũng phải cố gắng, chứ không biết làm việc khác. Năm 2004, tôi bị tai nạn lao động, mất một tay một chân nên chỉ biết bán vé số. Vừa rồi, tôi bị nhiễm COVID-19, phải thở ôxy trong vòng 17 ngày. Từ ngày hết bệnh, TP bình thường mới, ngày nào, tôi cũng bán đến 23 giờ đêm mới về nhà nghỉ”.
|