Phường xác minh để làm giấy khai sinh cho trẻ 11 tuổi

Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu (phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nên con của bà là bé Nguyễn Minh Tuấn (sinh năm 2010) đến nay vẫn chưa làm được giấy khai sinh. Bà cũng đã nhiều lần liên hệ với UBND phường 12, quận Bình Thạnh để hỏi về thủ tục nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Bé Nguyễn Minh Tuấn năm nay 11 tuổi, chưa được đi học và đang ở trọ cùng mẹ trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh: HỮU ĐĂNG

Chưa thể đi học vì không có giấy khai sinh

Bà Nguyễn Thị Thu cho biết vì nhiều lý do, hiện bà không có giấy tờ tùy thân. Bà sinh ra, lớn lên và có hộ khẩu gốc tại phường 4, quận Bình Thạnh. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình nên các thành viên trong gia đình bà Thu mỗi người một nơi.

Đến năm 1989, bà Thu chung sống như vợ chồng với ông H và sinh ra ba người con chung lần lượt sinh năm 1990, 1991 và 1997. Đến năm 2009, bà Thu liên hệ UBND phường 12, quận Bình Thạnh để làm giấy khai sinh cho các con và được UBND phường cấp giấy khai sinh. Trong giấy khai sinh của ba người con chỉ có tên mẹ là bà Thu, không có tên cha.

Đến năm 2010, bà Thu sinh thêm một bé trai tại BV Nhân dân Gia Định và dự định đặt tên con là Nguyễn Minh Tuấn (có giấy chứng sinh do bệnh viện cấp). Sau đó, bà nhiều lần liên hệ UBND phường 12 để làm giấy khai sinh cho Tuấn nhưng chưa được giải quyết. Lý do UBND phường cho biết là do bà Thu không có giấy tờ tùy thân.

Trao đổi với PV, bà Thu cho biết vì nhiều lý do riêng nên bản thân bà từ trẻ đã không có giấy tờ tùy thân. Do đó, nhiều năm nay, bà không thể đăng ký tạm trú hay thường trú ở đâu. Mấy mẹ con phải thuê trọ để sinh sống. Tuấn năm nay đã 11 tuổi nhưng không xin đi học được vì không có giấy khai sinh. “Không có giấy khai sinh nên từ nhỏ đến giờ Tuấn không được hưởng bất cứ quyền lợi nào của trẻ em. Vì vậy, tôi rất mong các cơ quan chức năng giúp tôi làm được giấy khai sinh cho Tuấn có tên mẹ để con tôi được đi học...” - bà Thu nói.

UBND phường phải đi xác minh nhiều nơi

Để hiểu rõ hơn về vụ việc, PV đã có buổi làm việc với UBND phường 12, quận Bình Thạnh. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch UBND phường 12, cho biết đến năm 2019, phường mới nhận được hồ sơ của bà Thu yêu cầu được làm khai sinh cho bé Nguyễn Minh Tuấn, sinh năm 2010.

Qua kiểm tra hồ sơ, được biết bà Thu không có giấy tờ tùy thân, không đăng ký thường trú, tạm trú, không xác định được cha của bé Tuấn.

Bên cạnh đó, địa chỉ cư trú của bà cũng liên tục thay đổi (trong hồ sơ khai 12 địa chỉ khác nhau). Do đó, dựa trên thông tin mà bà Thu khai báo, UBND phường đã phải đi xác minh nhiều nơi.

Qua xác minh được biết hiện nay bà Thu và bé Tuấn có cư trú thực tế tại địa phương nên UBND phường có thẩm quyền cấp giấy khai sinh trong trường hợp này.

Tuy nhiên, trường hợp này đang vướng ở chỗ không xác định được cha của bé Tuấn, còn mẹ thì không xác định được nhân thân vì không có giấy tờ gì.

Cũng theo bà Thủy, theo quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, sẽ có hai phương án để giải quyết.

Thứ nhất, nếu xem xét đến nhân thân của cha, mẹ của bé Tuấn thì UBND phường có thể cấp ngay giấy khai sinh cho bé nhưng trong giấy khai sinh chỉ có thông tin của trẻ mà không có thông tin cha, mẹ.

Thứ hai, vì không thể xác định được thông tin cha nên nếu muốn giấy khai sinh thể hiện thông tin mẹ thì UBND phường bắt buộc phải đi xác minh lý lịch của bà Thu trước khi cấp giấy khai sinh cho con của bà.

Hiện UBND phường đang phối hợp với Công an TP.HCM để trích lục những thông tin liên quan đến bà Thu. Sau khi có được hồ sơ, thông tin từ Công an TP gửi về, UBND phường sẽ mời bà Thu lên làm việc. Cụ thể là thu nhận dấu vân tay của bà Thu, sau đó lập và gửi hồ sơ qua Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM để xác định nhân thân chính xác của bà Thu.

Lý giải về ba giấy khai sinh trước đây UBND phường đã cấp cho các con của bà Thu, một đại diện UBND phường cho biết do thời điểm đó pháp luật, thủ tục cấp giấy khai sinh đơn giản hơn hiện nay.•

 

Thủ tục bổ sung tên cha, mẹ trong giấy khai sinh

Trong trường hợp này, nếu làm ngay giấy khai sinh cho em Tuấn (trong giấy khai sinh không có tên cha, mẹ) thì sau này muốn bổ sung tên cha, mẹ cho Tuấn trong giấy khai sinh phải cần làm thủ tục bổ sung hộ tịch bằng cách đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 quy định người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con (theo mẫu) và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch (UBND cấp xã). Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con, các bên phải có mặt.

Giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con được quy định tại Điều 14 Thông tư 04/2020/BTP bao gồm: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con và có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm