“Bực quá không chịu được. Sát nhà tôi có một chung cư. Chung cư này có khu hầm bỏ rác đàng hoàng, vậy mà căn hộ nào đó cứ thảy cả bọc rác qua hông tường nhà tôi, có hôm nước dơ bắn qua cửa sổ rơi cả vô nhà. Sao sống ở thành thị mà thiếu ý thức quá vậy?” - chị Thanh Chi (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) viết thư phản ánh. Chuyện đổ rác, bỏ rác bừa bãi dù đã bị lên án nhiều lần nhưng vẫn tồn tại khá nhiều nơi.
Không sợ biển cấm
Con hẻm dẫn vào trụ sở TAND quận 9 nằm trên đường Lò Lu, quận 9, TP.HCM chỉ dài hơn 100 m, đường hẻm rộng, xung quanh là hai khu đất trống thoáng mát. Tuy nhiên, hai bên vệ đường lại đầy rác. Nhiều người hễ thấy đất trống là vô tư vứt rác xuống. Cứ vài tuần, công nhân vệ sinh lại đến thu dọn, thấy vậy người ta lại tiếp tục bỏ rác. Cái bảng “Cấm đổ rác” này cũng chẳng ăn thua vì họ chỉ cần vài giây ngó tới ngó lui thấy vắng vẻ là vứt, chẳng ai phát hiện mà phạt. Rác cũng không chỉ là thức ăn dư thừa, rác sinh hoạt mà có cả xác động vật, bốc mùi hôi thối không chịu nổi.
Anh HỒ VĂN GIÀU, đường Lò Lu, quận 9, TP.HCM
Vứt rác bên hông BV 30-4, đường Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG DUY
Vứt vô nhà người khác
Tôi bán nước ở đây gần chục năm nay và thường xuyên hứng chịu những bịch rác của người đi đường vứt vào. Thường thì nhà tôi hay canh giờ để rác sinh hoạt trước góc quán cho công nhân vệ sinh dễ lấy. Một số người không hiểu sao cứ cầm bịch rác, chạy xe ngang rồi vứt vào. Có hôm tôi đang ngồi trong quán của mình thì bỗng bị một bịch nước từ ngoài đường vứt vô trúng người. Chưa hết, mấy người đi xe khách còn kinh khủng hơn. Bịch nôn, chai nước tiểu cứ thường xuyên bị quăng trước cửa quán. Bức xúc lắm nhưng có bắt tận tay ai làm đâu mà chửi. Xin mọi người ý thức về chuyện xả rác giùm một chút!
Chị TRẦN NGỌC ANH, bán nước tại quốc lộ1A, phường
Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM
Người khác làm, mình cũng làm
Chạy dọc theo tuyến đường Kênh Nước Đen cứ cách vài mét là có một đống rác trên vệ đường. Khu vực này có một chợ tự phát nên người dân cứ theo thói quen có rác là vứt. Mấy năm trước rác ở đây kinh khủng lắm, giờ đỡ hơn trước nhiều rồi mà ngó đống rác vẫn ngán quá. Rác ở đây chủ yếu là do những người bán hàng bằng xe đẩy, họ tranh thủ vắng người vứt xuống rồi đi mất. Lại thêm một số người thấy người khác vứt thì cũng làm theo, thành ra như thế này. Thôi thì đành chờ khi nào rác khô rồi gom lại đốt đi cho bớt ô nhiễm!
Chị NGUYỄN THỊ HỒNG, phường Bình Hưng Hòa A,
quận Bình Tân, TP.HCM
Lén lút và… cười trừ
Ở hẻm nhà tôi, một giáo viên về hưu không chịu đóng tiền rác 30.000 đồng/tháng nên cứ mỗi tối, khi mọi người ngon giấc, cô ấy âm thầm mang rác ra ngoài đường vứt hoặc bỏ vào các sọt rác của những quán ăn. Sự “tiết kiệm” này đã diễn ra trong nhiều năm liền. Hễ lỡ ai thấy thì cô cười trừ, thế là xong việc! Do cô ấy lớn tuổi nên không ai phàn nàn nhưng rõ là bực mình lắm.
Lại có trường hợp khác dù đã đóng phí rác mỗi tháng nhưng họ không để rác trước cửa nhà để công nhân đến thu dọn mà mang ra gốc cây để. Họ làm vậy vì những thứ họ bỏ ra là đồ nội thất hư hỏng hoặc xà bần. Theo thỏa thuận thì nếu lượng rác quá nhiều, cồng kềnh, hoặc bằng gỗ, xà bần thì họ phải đóng thêm phí gấp đôi. Vì né phí nên họ làm lén như thế đó. Tiết kiệm là đáng trân trọng nhưng trường hợp này không phải là tiết kiệm mà là hành động xấu cần phải dẹp bỏ ngay. Bởi số tiền ấy chẳng những trực tiếp trả công cho người thu gom rác mà còn gián tiếp giúp thành phố xanh, sạch, đẹp, môi trường trong lành.
Anh NGUYỄN HOÀNG DUY, phường 9, quận 5, TP.HCM
Theo điểm c, d khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013, người nào đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường; để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, theo điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016 (có hiệu lực từ ngày 1-2-2017), các cơ quan chức năng có thể xử phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng đối với các hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị. |