Xuất khẩu lao động chui phải gánh những rủi ro gì?

Ở quê tôi có nhiều người đi xuất khẩu lao động với mong muốn đổi đời. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có những người lao động (NLĐ) chọn con đường trái phép để đi ra nước ngoài làm việc, trong đó có người em họ của tôi.

Vậy theo quy định hiện hành thì những trường hợp đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp sẽ bị xử lý ra sao?

Bạn đọc Ngọc Anh (Nghệ An)

Luật sư Lê Văn BìnhĐoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 6 Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bằng một trong các hình thức sau đây:

- Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

- Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

- Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

- Hợp đồng cá nhân.

Do đó, những trường hợp xuất khẩu lao động không thông qua bằng một trong các hình thức trên đều là hành vi xuất khẩu lao động trái phép.

Những vi phạm của các cá nhân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài tùy thuộc vào từng hành vi mà sẽ có chế tài xử phạt khác nhau.

Người đi lao động nước ngoài mà không đăng ký hợp đồng cá nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng (theo Điều 35 Nghị định 95/2013).

Đối với hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh (vượt biên trái phép) sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng (theo điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013).

Còn đối với các hành vi như ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng... thì mức tiền phạt cho NLĐ là 80-100 triệu đồng.

Ngoài việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam, người đi lao động trái phép còn có thể bị xử lý theo pháp luật của nước sở tại như bị giam giữ, phạt tiền, trục xuất về nước…

Vì vậy, NLĐ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài không thông qua con đường hợp pháp sẽ đối mặt với mức phạt không hề nhỏ của pháp luật Việt Nam. Đồng thời NLĐ cũng phải đối mặt với các hình thức xử lý của pháp luật nước sở tại và đối diện với rất nhiều rủi ro.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm