Sáng 29-9, UBND TP.HCM đã tổ chức Lễ ra mắt hệ thống nâng cấp tổng đài khẩn cấp liên thông 113 – 114 – 115, tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an TP.HCM).
Nghi thức công bố, ra mắt hệ thống nâng cấp tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115. Ảnh: LÊ THOA
Tham dự lễ ra mắt có ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch HĐND TP, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP cùng lãnh đạo các sở, ngành, UBND quận/huyện,…
Phát biểu tại buổi lễ, TS Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết việc nâng cấp tổng đài khẩn cấp liên thông 113 – 114 – 115 xuất phát từ những bất cập trong công tác tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp từ người dân trong các sự cố nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn TP trước đây. Chẳng hạn vụ chìm tàu khách H29-BP tại cửa biển huyện Cần Giờ vào năm 2013.
TS Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phát biểu khai mạc. Ảnh: LÊ THOA
Ông Cường cho biết, hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115 đầu tiên trên cả nước này đã được hoạt động từ tháng 5-2020.
“Hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115 với các tính năng nâng cao, phục vụ tốt nhất cho người dân và các đơn vị chức năng trong tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp” – ông Cường đánh giá.
Theo đó, hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông của TP.HCM hoạt động hoàn toàn trên nền tảng công nghệ IP, với hàng loạt tính năng mới, tạo tiện ích cho người dân.
Cụ thể, khi cần yêu cầu hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp, người dân không cần phải nhớ chức năng của từng số điện thoại khẩn cấp, mà chỉ cần gọi đến một trong ba đầu số 113, 114, 115 thì sẽ nhận được sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, bên cạnh cách thức gọi điện truyền thống, người dân có thể cài đặt ứng dụng HCMC EOC trên điện thoại thông minh. Khi khẩn cấp có thể dùng app này để liên hệ đến các cơ quan chức năng.
Tình huống mô phỏng sự phối hợp của các đơn vị 113-114-115. Ảnh: LÊ THOA
Với việc nâng cấp hệ thống tổng đài liên thông 113 - 114 - 115, vị trí của người dân sẽ được cung cấp tự động cho tổng đài viên, qua đó, các cơ quan chức năng có thể xác định nhanh chóng khu vực cần được hỗ trợ khẩn cấp để điều phối lực lượng ứng cứu.
Ngoài xác định được vị trí của người phản ánh, tổng đài viên có thể xác định được số điện thoại, địa chỉ của người gọi, lịch sử các cuộc gọi từ số điện thoại đang gọi đến, cho phép đánh dấu phân loại các cuộc gọi quấy rối.
Tình huống cứu hộ ngay tại nơi diễn ra buổi lễ. Ảnh: LÊ THOA
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP, trong thời gian tới, hệ thống sẽ tiếp tục được nâng cấp, cho phép kết nối với dữ liệu hệ thống camera trên địa bàn, kết hợp tính năng định vị cuộc gọi. Từ đó, hỗ trợ tổng đài viên xác định, nắm bắt tình hình thực tế hiện trường xảy ra sự việc, nhờ vậy, thuận tiện phân loại tính chất sự cố, phát hiện các tình huống cảnh báo giả, quấy rối.
Đồng thời, hệ thống sẵn sàng tích hợp tính năng định vị phương tiện cấp cứu y tế, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Việc này giúp tổng đài viên xác định vị trí lực lượng, nguồn lực ứng cứu khẩn cấp gần nhất với vị trí xảy ra sự cố.
Hệ thống cũng có thể đề xuất lộ trình di chuyển ngắn nhất, thuận tiện nhất để hỗ trợ tổng đài viên điều phối và hướng dẫn các lực lượng đến vị trí cần được ứng cứu trong thời gian nhanh nhất.
Tại buổi lễ, các lực lượng chức năng đã mô phỏng tình huống cứu hộ khẩn cấp và sự phối hợp của các đơn vị 113, 114, 115. Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã diễn tập ngay dưới sân của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.