Ứng xử nhân văn hơn với người khuyết tật

Trong quá trình hòa nhập xã hội, người khuyết tật (NKT) thường gặp nhiều rào cản do xã hội chưa nhìn nhận nghiêm túc và đặt nặng tính nhân văn trong cách ứng xử với họ. Thái độ phân biệt thường thể hiện dưới hai dạng: hữu hình và khó nhận biết. Ở dạng thứ nhất, ta dễ dàng nhận ra từ thực tế NKT khó thuê được nhà trọ hơn người bình thường do chủ nhà ngại xui rủi hay trách nhiệm. Cùng có trình độ như nhau nhưng nhà tuyển dụng thường ưu tiên cho người bình thường, nếu có nhận NKT cũng không dám mạnh dạn giao việc và nhiều nơi chỉ xem việc nhận NKT như một hình thức làm từ thiện...

Vô tình phân biệt đối xử

Nan giải nhất vẫn là những phân biệt khó nhận biết. Trong nhiều trường hợp, chính những cá nhân có hành động phân biệt cũng không ý thức rằng mình đang làm điều đó. Ở những tình huống này, đôi khi xuất phát từ những ý tốt hay từ thực tế mà nhiều người đã vô tình có cách ứng xử khiến NKT cảm thấy bị tổn thương.

Đường nông thôn thường khó đi do lầy lội và có nhiều cầu khỉ. Nếu trong những gia đình nông thôn nghèo không may có một người con bị khiếm khuyết, khi con trẻ đến tuổi đi học cha mẹ thường nói: “Con đi học làm gì cho cực? Người thường còn khó học tới nơi tới chốn huống chi con”. Ở đây, có thể hiểu rằng cha mẹ không muốn con đi học là vì thương con, sợ con phải vất vả và biết rằng sẽ không có khả năng lo cho con tới nơi tới chốn chứ không phải ghét bỏ, kỳ thị con mình. Tuy nhiên, đó thực sự là một sự phân biệt khi yêu cầu trẻ phải làm một việc khác với những bạn cùng trang lứa.

Ứng xử nhân văn hơn với người khuyết tật ảnh 1

NKT rất cần được mọi người đối xử bình đẳng để dễ dàng hòa nhập cộng đồng. Trong ảnh: NKT tìm việc tại một hội chợ việc làm. Ảnh: HTD

Cách đây chưa lâu, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều khi một thí sinh là NKT phản ứng vì cho rằng mình đã bị một thành viên ban giám khảo cuộc thi Vietnam Idol phân biệt đối xử. Người cho rằng ban giám khảo đã kỳ thị thí sinh khuyết tật khi nói: “Nếu trong chương trình của NKT, em muốn hát cho mọi người nghe, em sẽ thành công”. Người khác lại nói đó là một lời khuyên, lời động viên xuất phát từ lòng tốt. Theo tôi, trong trường hợp này chỉ cần nói: “Bạn hát rất tốt nhưng tiếc là vẫn chưa đủ điều kiện để vào vòng sau…”.

Công trình công cộng thường bỏ quên NKT

Đến nay, chúng ta vẫn chưa có một hệ thống đồng bộ về giao thông, công trình xây dựng để NKT dễ dàng hòa nhập cộng đồng. Quy chuẩn xây dựng để NKT tiếp cận đã ban hành nhưng tiếc thay, nhiều công trình lại không thực hiện hoặc chỉ thực hiện qua loa. Lý lẽ hay được đưa ra là để tiết kiệm chi phí. Trong khi chưa thể có được hệ thống đồng bộ để NKT tiếp cận, một số công trình công cộng lại có những thiết kế vô tình gây khó khăn cho NKT. Tại Công viên 23-9, để ngăn xe máy vào công viên, người ta lắp đặt những thanh chắn bằng sắt cao khoảng 0,2 m chặn những lối vào. Thế là những người sử dụng xe lăn không thể vào trong để tham quan, thư giãn. Còn xe máy, đối tượng bị ngăn chặn, lại dễ dàng ra vào khi chạy qua những khu vực có gờ bê tông thấp.

Vừa qua, khi đến thăm Nhật Bản, dù ngồi xe lăn, bạn tôi - cũng là NKT vẫn có thể thăm viếng hầu hết những đền thờ và cung điện. Bạn cho biết lúc đầu cũng có nhiều người quyết liệt phản đối việc sửa đổi những nơi linh thiêng này. Song những ý nghĩ tôn trọng phẩm giá và quyền của NKT đã chiến thắng. Và thực tế, với sự điều chỉnh được tính toán tỉ mỉ và hợp lý, những nơi này vẫn không hề mất đi vẻ đẹp cổ kính vốn có.

Sự khác biệt này thể hiện cách nhìn nhận, công bằng về cơ hội cho NKT tại một xã hội bình đẳng. Trong khi chúng ta vẫn loay hoay trong việc đối xử với NKT như là đối tượng của sự từ thiện thì Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước về quyền của NKT và thế giới đã tiến đến quan niệm thiết kế cho tất cả mọi người (universal design). Bởi ai cũng có lúc cần đến những thiết kế như thế, chứ không riêng NKT.

NGUYỄN HOÀNG MINH (Quận Tân Phú)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm