Vụ lao động tại Nga kêu cứu: Tám lao động tại Vinastar bị bắt đưa đi nơi khác

Liên quan đến vụ người lao động (NLĐ) tại xưởng may Vinastar ở Nga kêu cứu mà báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trong nhiều số báo trước đây, ngày 18-7, nhiều NLĐ tại Nga và thân nhân tại Ba Vì gọi điện thoại cho Pháp Luật TP.HCM thông báo NLĐ đã bị đánh đập và đưa đi nơi khác. Chị Dương Thị Hằng, NLĐ quê Ba Vì, cho biết: Chiều 17-7, năm trong sáu người là thành viên ban đại diện của NLĐ đang làm việc tại xưởng may này đã bị bắt nhốt tại văn phòng công ty.

Bắt người, thu điện thoại, máy tính

Những NLĐ khác cũng gọi điện thoại cho biết thêm, chiều tối cùng ngày, người của Vinastar đã dẫn theo mấy người Nga xông vào nơi ở của công nhân và cho rằng đây là cảnh sát Nga đến làm việc (không nói nội dung). Họ đã thu giữ máy vi tính của công nhân Tiêu Hoàng Quế và bắt anh lên văn phòng công ty. Khoảng 1 giờ sau, hai công nhân khác cũng bị giải lên văn phòng. Những công nhân ở cạnh văn phòng cho biết họ nghe tiếng la hét vì bị đánh dội ra từ văn phòng công ty này.

Những thợ phụ làm việc tại xưởng may (là người thân quen của giám đốc công ty bà Trần Kim Dung) lăm le dùi cui trên tay án ngữ trước cửa phòng của các công nhân không cho ra ngoài. Một số công nhân bị thu giữ điện thoại.

Vụ lao động tại Nga kêu cứu: Tám lao động tại Vinastar bị bắt đưa đi nơi khác ảnh 1

Bữa ăn đạm bạc của công nhân xưởng may Vinastar. (Ảnh do NLĐ cung cấp)

Một NLĐ tại xưởng may Vinastar (đã về nước) được tin kêu cứu của đồng nghiệp đã gọi điện thoại cho đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga để thông báo tình hình và nhờ can thiệp nhưng vị này cho biết không nắm thông tin nên không thể đến hiện trường.

Sau đó, tám người bị dẫn đi nơi khác trong đêm nhưng chưa rõ đưa đi đâu (?!). Trước diễn biến phức tạp, các công nhân đã co cụm lại một phòng để tự trấn an lẫn nhau. Điện thường xuyên bị cúp và nhiều điện thoại bị đập nát. NLĐ không biết sắp tới có còn liên lạc được với thế giới bên ngoài nữa hay không.

Di chuyển thiết bị và phân tán công nhân

Tám công nhân bị di chuyển khỏi xưởng may:

Tiêu Hoàng Quế; Phạm Thị Mão; Hoàng Văn Khánh; Phạm Thị Hồng Thắm; Nguyễn Tiến Sáng; Roãng Thị Mỹ; Đặng Thị Phượng; Vũ Thị Thu Hà.

16 giờ chiều 18-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, NLĐ tại Nga cho biết thêm: Ngoài tám công nhân bị di chuyển khỏi xưởng may trong đêm, 20 công nhân khác cũng bị gọi lên văn phòng (từng người một) để thẩm vấn, truy hỏi và bị bảy thợ phụ của xưởng may đánh đập thâm tím, bầm dập thân thể và chân tay. “Vừa gọi tôi đến chỗ vắng người là khoảng sáu thợ phụ xông vào đấm vào mạn sườn tôi đau đến điếng người. Đến qua ngày hôm nay (18-7), tôi vẫn chưa thể ăn được cơm” - anh X. nói.

Vinastar đã di chuyển máy móc đi nơi khác, yêu cầu công nhân phải đến chỗ mới làm việc (chưa rõ ở đâu). Vinastar đã chia lẻ ra từng nhóm 20 người để di chuyển. Công ty tuyên bố hôm nay (19-7) nếu công nhân không chịu đi sẽ bị bỏ đói. NLĐ khẳng định họ không đi đâu hết cho đến khi tám công nhân bị di chuyển quay trở lại và cơ quan chức năng đến giải cứu.

Theo trình bày của NLĐ, từ hơn 10 ngày gần đây, đời sống sinh hoạt của NLĐ tại xưởng rất tồi tệ. Nước sinh hoạt thì bị cắt khiến việc vệ sinh, tắm giặt của công nhân hết sức khó khăn. Do điều kiện vệ sinh, ăn uống mất vệ sinh nên nhiều công nhân bị bệnh tiêu chảy kéo dài. NLĐ chỉ được cấp thuốc lần đầu, sau đó họ được cấp cháo trắng để chữa bệnh tiêu chảy.

PHONG ĐIỀN - NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm