Không nên ký khống khi vay vốn ngân hàng

Hiện nay, nhu cầu vay vốn ngân hàng (NH) của người dân để phục vụ cho kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng ngày càng tăng. Để vay được vốn NH thì yêu cầu về thủ tục giấy tờ xét duyệt cũng khá lâu.

Chính vì thế, một số người đã lợi dụng tâm lý muốn thủ tục vay vốn được nhanh, gọn để thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Vay càng dễ thì rủi ro càng nhiều

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình có thông tin về vụ việc nhân viên NH lừa đảo khách hàng vay vốn. Theo đó, Dương Minh Phú là nhân viên NH BIDV làm việc tại Phòng giao dịch huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Lợi dụng sự tin tưởng của người dân khi làm thủ tục vay vốn NH, Phú đã lừa nhiều người ký khống vào các loại giấy tờ của NH để vay vốn.

Theo đó, lợi dụng sự tin tưởng của người dân về việc làm thủ tục vay vốn NH, Phú đã lừa nhiều người ký khống vào các loại giấy tờ như ủy nhiệm chi, giấy rút tiền mặt và một số hồ sơ có liên quan khác.

Sau đó, Phú đã nâng khống số tiền vay vốn rồi chuyển cho khách hàng số tiền cần vay, số còn lại Phú chiếm đoạt, mỗi người từ 1 tỉ đến 2,6 tỉ đồng. Tổng số tiền ước tính gần 15 tỉ đồng.

Qua sự việc nêu trên, bạn đọc Nguyễn Hương bình luận: “Sự chủ quan của khách hàng cộng với lòng tham của cán bộ tín dụng đã tạo nên nhiều sự việc lừa đảo trong việc vay vốn NH. Lòng tham này có thể là do hoàn cảnh (nợ nần chồng chất) hoặc có thể là do nguyên nhân khác khiến cán bộ tín dụng không còn giữ được nguyên tắc, đạo đức làm việc dẫn đến những sự việc đau lòng như trên”.

Chung quan điểm, bạn đọc Thanh Điệp chia sẻ: “Đã có nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến nhân viên NH được đưa ra xét xử. Phần lớn nguyên nhân vẫn là sự chủ quan từ phía khách hàng. Chỉ vì tâm lý muốn hồ sơ được xử lý nhanh chóng, ít phải đi lại ký giấy tờ nên bị nhiều nhân viên NH biến chất lợi dụng sơ hở đó để chiếm đoạt tài sản”.

“Đồng tiền đi liền khúc ruột! Vay càng dễ thì rủi ro càng nhiều, đó là sự thật đã được chứng minh bằng nhiều trường hợp cụ thể mà báo chí đưa tin. Cho nên khi thực hiện các quan hệ tín dụng, mỗi người nên cẩn trọng hơn khi đặt bút ký các loại giấy tờ” - bạn đọc Văn Toàn nêu ý kiến.

Đọc hợp đồng không hiểu phải hỏi

Theo ông Phạm Nhất Anh Pha, chuyên gia tín dụng một NH thương mại cổ phần, hiện nay theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ thì quy trình cho vay rất chặt chẽ. Mọi quy trình đều được kiểm soát, đồng thời mọi giao dịch đều được khách hàng trực tiếp thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, trong một số trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau, khách hàng tự ký khống các giấy tờ, sau đó để cán bộ tín dụng giao dịch với NH. Hoặc do tin tưởng mà ký vào các giấy tờ do cán bộ tín dụng đưa mà không đọc nội dung. Có khách hàng cũng đọc nhưng không đọc kỹ, phần nội dung không hiểu rõ cũng không yêu cầu giải thích.

Do đó, để tránh rủi ro cũng như tạo kẽ hở để một số người lợi dụng thực hiện hành vi trái pháp luật, khi ký hợp đồng tín dụng, khách hàng cần đọc kỹ nội dung và không nên ký khống các giấy tờ.

Tương tự, anh Nguyễn Đăng Hảo (nhân viên tín dụng của một NH) cho biết về quy trình, khi khách hàng có nhu cầu vay vốn thì theo thủ tục khách hàng cần điền vào tờ đơn do NH cung cấp. Trong đó, khách hàng cần khai thông tin về cá nhân, về nhu cầu vay vốn, thông tin về thu nhập và tài sản đảm bảo…

Sau khi hồ sơ đã hợp lệ, được phê duyệt thì các bên tiến hành công chứng và tiến hành ký hợp đồng tín dụng, sau đó là giải ngân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để nhanh chóng khách hàng thường cùng một lúc ký tất cả giấy tờ, rồi đợi cán bộ tín dụng báo lên nhận tiền giải ngân. Chính vì thế mới phát sinh nhiều sự việc lừa đảo nêu trên.

Do đó, để hạn chế rủi ro, khách hàng khi giao dịch tín dụng cần phải cẩn thận đọc các nội dung trước khi ký các văn bản, phần nào không hiểu thì phải hỏi, yêu cầu giải thích rõ. Tuyệt đối không được ký khống các giấy tờ khi vay vốn.

Nhân viên ngân hàng lừa đảo khách hàng nhiều tỉ đồng

Ngày 28-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình cho biết vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam bốn tháng đối với Dương Minh Phú (32 tuổi, trú huyện Bố Trạch, Quảng Bình) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bước đầu, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Quảng Bình điều tra, xác minh Dương Minh Phú lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt với tổng số tiền gần 15 tỉ đồng.

Sự việc bị phát giác khi nhiều người dân phát hiện số tiền nợ của mình tại NH cao hơn rất nhiều so với số tiền thực đã vay.

NGUYỄN DO 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

thanh niên 18 tuổi nhảy sông tự tử

Vấn nạn livestream bất chấp hoàn cảnh!

(PLO)- Vừa qua vụ việc nam thanh niên 18 tuổi nhảy sông tự tử được bàn tán xôn xao trên nền tảng livestream. Hành động này được cho là thiếu tình người, gây bức xúc. Cần có giải pháp xử lý để loại trừ.

Thói ngụy biện

Thói ngụy biện

(PLO)- Trong tất cả mọi việc, chỉ có phản biện, tranh luận một cách chân thành, thẳng thắn mới là con đường chân chính hướng tới và đi tìm chân lý. Trên con đường ấy, thói ngụy biện cần phải được dẹp bỏ.

Nhân chuyện facebook sập: Nếu bạn từ bỏ mạng xã hội?

Nhân chuyện facebook sập: Nếu bạn từ bỏ mạng xã hội?

(PLO)- Ngày nay, công nghệ ngày càng phát triển nên mạng xã hội chiếm vị trí không nhỏ trong cuộc sống của mỗi người. Mạng xã hội mang đến niềm vui, giải tỏa căng thẳng nên không ít người “nghiện”. Vậy nếu bạn từ bỏ mạng xã hội thì điều gì sẽ xảy ra?