Thêm một lần nữa, hình thức cho vay tín dụng đen qua app lại được dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh, khi mới đây ngày 2-6, Công an TP.HCM phối hợp với Công an quận 1 khám xét một công ty cho vay qua app có trụ sở tại quận 1.
Báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã từng có nhiều bài viết phản ánh, cảnh báo về hình thức cho vay qua app trên nhưng hiện vẫn rất nhiều người dân đang vướng vào vấn nạn này.
Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến…
Càng nhanh gọn càng rủi ro
Từ cuối năm 2019 đến nay, Công an TP.HCM đã triệt phá nhiều đường dây cho vay qua app, chủ yếu là người Trung Quốc điều hành. Điều đó cho thấy đây là một tín hiệu đáng mừng. Trong thời gian tới, mong cơ quan chức năng sẽ xóa bỏ được hình thức tín dụng này.
Những người tìm đến hình thức vay qua app này thường là những người không đủ tiêu chuẩn khi vay tiền tại các tổ chức tín dụng hợp pháp. Do đó, khi đang ở trong tâm lý cần tiền và cộng thêm thủ tục nhanh gọn thì app vay tiền online là sự lựa chọn hàng đầu.
Thế nhưng khi nhìn lại số tiền đăng ký vay và số tiền thực nhận thì sao? Vay 1 triệu đồng thì chỉ nhận được khoảng 700.000 đồng, vay 3 triệu đồng thì cũng chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng. Liệu rằng với số tiền ít ỏi đó, người đi vay có thực sự giải quyết được khó khăn đang gặp phải không. Chưa nói về sau họ phải lãnh hậu quả lớn với việc trả lãi suất rất cao, bị khủng bố tinh thần bằng nhiều hình thức.
Thủ tục xét duyệt cho vay càng đơn giản thì rủi ro đi theo càng cao. Nếu là một tổ chức tín dụng cho vay hợp pháp thì rủi ro sẽ thuộc về bên cho vay, còn đối với dạng tín dụng đen núp bóng vay qua app này thì phần thiệt thòi sẽ thuộc về người đi vay.
Anh PHẠM NHẤT ANH PHA, chuyên gia tín dụng
một ngân hàng thương mại cổ phần
Người thân của một nạn nhân vay qua app bị đưa thông tin lên mạng xã hội để đòi nợ. Giấy ghi qua app các khoản vay của một nạn nhân. Ảnh: NVCC
Dùng thủ tục vay nhanh dụ con mồi
Qua một số vụ việc công an đã xử lý cho thấy chủ quản của các app cho vay đều có người đứng sau là người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc. Loại hình cho vay này đã tồn tại lâu ở Trung Quốc nhưng do bị quản lý chặt nên buộc các công ty này phải tìm những thị trường mới để phát triển và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Với chiêu trò cho vay đơn giản, thủ tục nhanh gọn của các app cho vay, nhiều người đã nhanh chóng rơi vào bẫy của họ. Khi đó, người vay bắt đầu dính vào vòng luẩn quẩn vì nợ nần. Vì lãi suất quá cao, không trả nổi, buộc họ phải tiếp tục vay khoản trước trả cho khoản sau. Trả không đúng hạn thì bị khủng bố, thậm chí các nạn nhân còn bị tung tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm…
Người dân khi gặp khó khăn về tài chính thì lại chủ quan, muốn nhanh chóng có tiền và có tâm lý chỉ vay số tiền nhỏ nên “nhắm mắt làm liều” mà không màng hậu quả.
Cho dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa, mọi người cần hiểu rằng hình thức cho vay này luôn tồn tại rủi ro rất lớn cho người vay. Ai đang có ý định “nhắm mắt làm liều” thì hãy dừng lại và tìm một lựa chọn giải pháp tài chính khác được pháp luật công nhận.
Anh TRẦN VĂN GIỚI, giám đốc một công ty tư vấn tại TP.HCM
Hoạt động không hợp pháp
Hiện nay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì bất kỳ tổ chức tín dụng nào muốn thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng thì phải được cấp phép.
Do đó, những tổ chức thực hiện hoạt động tài chính cho vay tiền, huy động vốn mà chưa được cấp phép thì đều là hoạt động không hợp pháp.
Mặt khác, pháp luật hiện hành chưa quy định và cấp phép đối với hình thức tín dụng cho vay qua app (cho vay ngang hàng - P2P lending). Chính vì vậy một số người, đặc biệt là người nước ngoài đã lợi dụng để tổ chức cho vay núp bóng tín dụng đen.
Luật sư TỪ TIẾN ĐẠT, Đoàn Luật sư TP.HCM
Một ứng dụng tích hợp hàng chục app vay tiền
Giữa tháng 4-2020, vì quá kẹt nên tôi đã vay tiền online qua app VTM trên mạng. Cũng như một số app vay tiền khác, người vay phải cho phép truy cập danh bạ và cung cấp số chứng minh nhân dân. Số tiền vay nhận được luôn bị trừ khoảng 20% tiền phí quản lý.
Với khoản vay 3 triệu đồng trong thời gian sáu ngày, khi đến hạn tôi phải trả đủ 5 triệu đồng. Tương tự, mức vay là 5 triệu đồng thì phải trả 7,4 triệu đồng, mức vay 7 triệu đồng thì phải trả hơn 10 triệu đồng.
Điều nguy hiểm của app này là trước đây khi muốn tìm khoản tiền khác để trả nợ thì phải tìm app khác vay. Nay thì các app vay tiền liên thông, chia sẻ dữ liệu cho nhau nên muốn vay tiền từ app khác để trả cho app này thì chỉ thực hiện chưa đầy một phút.
Từ những khoản vay với số tiền nhỏ thì đến nay số tiền mà tôi đã phải trả cho các chủ app đã lên hơn 100 triệu đồng và hiện đã mất khả năng chi trả. Tôi rất mong đừng ai rơi vào cảnh như tôi.
Ông NGUYỄN HOÀNG TÍN (quận 7, TP.HCM)
Công an mời hơn 10 người làm việc Sau khi khám xét Công ty Cashwagon ở quận 1 vào ngày 2-6 để làm rõ hành vi chuyên cho vay qua app, công an đã mời về trụ sở hơn 10 người để làm việc. Trong đó có cả lãnh đạo công ty và nhân viên công ty. Ứng dụng vay tiền qua điện thoại có tên app là Cashwagon do người Việt Nam phối hợp với người Nga chế tạo. Bước đầu, qua khám xét của công an, Công ty Cashwagon trụ sở tại đường Tôn Thất Tùng có khoảng 80 nhân viên làm việc. Giám đốc công ty được xác định là một phụ nữ tên H. Bà H. cho biết không tham gia vào quá trình cho vay mà chỉ tư vấn tài chính, đơn vị trực tiếp rót tiền cho vay là Công ty Lendtech. Qua khám xét, công an đã thu giữ được một số tài liệu liên quan đến việc cho vay qua app của công ty này, hiện Công an TP.HCM vẫn đang tích cực đấu tranh mở rộng vụ việc. TỰ SANG |