Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn đang diễn biến phức tạp và kể từ 0 giờ ngày 9-7 TP.HCM chính thức áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay việc người dân cùng đồng lòng với chính quyền TP.HCM đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường là hết sức quan trọng.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, các địa phương đã thành lập các chốt kiểm soát, các tổ tuần tra để giám sát, kiểm tra những trường hợp người dân ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết.
Liên quan đến vấn đề nàyPLO đã nhận được rất nhiều những bình luận của bạn đọc gửi về bày tỏ sự không hài lòng với những trường hợp không chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch. Điều này thể hiện qua các thông tin ngày đầu tiên TP áp dụng Chỉ thị 16 mà đã có khá nhiều người bị xử phạt.
Không ai muốn phạt, nhưng không phạt không được
Bạn đọc Minh Tuấn bình luận: "UBND TP thông qua tin nhắn điện thoại hoặc bằng những cách thông tin khác đã thông tin đến từng người nhằm thông báo TP chính thức áp dụng Chỉ thị 16 kể từ 0 giờ ngày 9-7 và yêu cầu người dân ở nhà , chỉ ra đường khi thực sự cần thiết.
Thế nhưng tôi thấy trong ngày đầu tiên thực hiện vẫn xuất hiện người dân ra công viên tập thể dục ở quận Phú Nhuận bị phạt. Rồi người dân đem rau củ ra ngoài đường bán ở Hóc Môn bị lực lượng chứng năng tịch thu.
Nếu người dân còn có tâm lý áp dụng Chỉ thị 16 theo kiểu đối phó như thế này thì vừa làm cho các lực lượng chức năng mệt thêm mà bản thân mình lại vừa bị phạt không đáng có, công tác phòng chống dịch lại phải kéo dài thêm mệt mỏi".
Kể từ 0 giờ ngày 9-7 TP.HCM chính thức áp dụng Chỉ thị 16 với hy vọng sớm đẩy lùi được dịch bệnh. Ảnh: ĐẶNG LÊ
Bạn đọc Bảo Tín góp ý: "Nếu ai vi phạm thì cứ phạt, suốt hơn một năm qua tình hình kinh tế khó khăn, biết là phạt sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của người dân nhưng nếu không phạt, không làm nghiêm thì dịch không dập được lúc đó còn khổ hơn nữa".
Chung quan điểm bạn đọc V.V.Linh bày tỏ quan điểm: "Lực lượng tại địa phương khó đủ để có thể đảm đương giám sát 100% người dân tại địa phương mình. Cái chính vẫn là ý thức của người dân, trong 15 ngày giãn cách hãy cố gắng xử lý công việc ở nhà, trừ trường hợp ra ngoài mua lương thực hoặc các trường hợp được cần thiết khác được cho phép khác theo hướng dẫn của UBND TP.
tôi mong mỏi mỗi người hãy tự ý thức cùng chung tay quyết tâm đẩy lùi dịch trong thời điểm quan trọng này. Thay vì các cơ quan chức năng phải dành lực lượng đi giám sát người dân, nếu người dân thực hiện nghiêm túc thì lực lượng này sẽ dùng để hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ cho các hoạt động truy vết...Điều đó sẽ tốt hơn".
"Chính quyền thành phố đã cân nhắc đủ đường để cho ra chủ trương quyết tâm dịch dập trong thời gian này và đã có hướng dẫn rõ trường hợp nào được ra ngoài, trường hợp nào không. Vậy nhưng, tôi thấy một số người vẫn ra công viên tập thể dục.
Có thể họ suy nghĩ đơn giản rằng mình không vi phạm gì vì không tập trung đông người, áp dụng đúng biện pháp giãn cách nên không sao. Tuy nhiên, mong mọi người hiểu rằng lúc này là lúc mọi công dân cần phải tuân thủ nghiêm việc ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết theo công văn 2279 của UBND TP.HCM. Việc đi tập thể dục ở công viên không phải là trường hợp cần thiết được ra ngoài. Thời gian này vẫn có thể tập thể dục tại nhà được mà! Chỉ cần mỗi người làm sai một chút thôi thì xã hội sẽ lãnh đủ, dịch kéo dài biết bao giờ khống chế nổi!?" - bạn đọc Hiếu Hạnh tha thiết.
Tụ tập trên 2 người tại nơi công cộng: Phạt đến 20 triệu đồng
Bên cạnh các bình luận, nhiều bạn đọc cũng thắc mắc về mức phạt cho các hành vi vi phạm phòng chống dịch theo Chỉ thị 16.
Những trường hợp đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết, không đeo khẩu trang hoặc không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m tại các địa điểm công cộng cũng sẽ bị xử phạt về hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020. Mức phạt là bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Không chỉ riêng hành vi đi ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết bị xử phạt mà còn rất nhiều hành vi khác trong Chỉ thị 16 yêu cầu người dân phải thực hiện để đảm bảo phòng, chống dịch.
Cụ thể, Chỉ thị số 16 quy định không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...
Nếu vi phạm, cá nhân hoặc tổ chức sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020. Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng. Đối với tổ chức thì mức phạt gấp đôi mức phạt dành cho cá nhân có cùng hành vi vi phạm.
Đối với những trường hợp cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh không thuộc các nhóm đối tượng được cho phép hoạt động thì sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân (từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức) về các hành vi như:
- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng.
- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh.
- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
Những trường hợp nào được ra khỏi nhà? Khi quyết định áp dụng giãn cách từ 0 giờ ngày 9-7 thì ngày 8-7, UBND TP.HCM cũng đã có Công văn số 2279 về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống COVID theo tinh thần Chỉ thị 16. Một trong những nội dung của công văn 2270 là đã nêu rõ ràng về những trường hợp nào là trường hợp cần thiết được ra khỏi nhà. Công văn nêu rõ: Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết: - Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác. - Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ... - Đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại Mục 4. Các cơ sở nêu tại Mục 4 gồm: + Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; + Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); + Ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... Khi người lao động làm việc tại các cơ sở nêu trên thì người đứng đầu các cơ sở này phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch như: Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế; Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp. Khi ra khỏi nhà, người dân lưu ý phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m. |