Trong tuần qua, những thông tin về việc Công an TP.HCM phối hợp với Công an quận 1 tiến hành khám xét trụ sở Công ty Cashwagon chuyên cho vay qua app thu hút được sự quan tâm của bạn đọc.
Động thái trên của công an thêm một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người về hình thức núp bóng tín dụng đen này.
Sau bài viết, rất nhiều bạn đọc phản ánh đến chúng tôi họ cũng là nạn nhân hình thức tín dụng đen cho vay qua app của các công ty khác, không chỉ Công ty Cashwagon.
Pháp Luật TP.HCMdẫn lại câu chuyện của những nạn nhân của nhiều kiểu vay qua app khác.
Nạn nhân muốn quay đầu nhưng đã muộn
Anh N.T. Thắng cho hay: “Trong đợt dịch COVID-19, thất nghiệp, tôi cố gắng xoay sở tài chính để chữa bệnh cho người thân nhưng không thể vay ngân hàng nên tôi làm liều vay app và tín dụng đen.
Lúc vay dễ bao nhiêu thì đến khi trả khó bấy nhiêu, với đủ chiêu trò mà nhóm người cho vay bày ra. Khi tới ngày đóng tiền mà tôi chưa đóng kịp, họ liền gọi điện thoại cho người thân, đe dọa đăng lên Facebook khiến nhiều người bị áp lực, cuộc sống mệt mỏi. Tôi muốn quay lại cuộc sống bình thường như trước đã không kịp, giá như lúc trước mình không làm liều đi vay”.
Một trường hợp khác là anh Phạm Nguyễn Phú Thịnh (Khánh Hòa), cũng đang vướng vào vay qua app, cho biết: “Tôi có vay qua app số tiền là 3 triệu đồng và thực nhận chỉ 1,9 triệu đồng, thời gian vay là bảy ngày.
Tưởng chừng mọi chuyện êm đẹp khi đúng bảy ngày sau tôi thanh toán đúng hạn và trả đủ. Chiều hôm đó trả xong, tôi mở điện thoại lên mới biết là từ sáng hôm đó họ đã đăng hình ảnh vợ chồng con cái, bạn bè, các đồng nghiệp tại cơ quan lên Zalo, Facebook và cho rằng tôi là người lừa đảo, đang trốn nợ”.
“Trả đúng hạn mà tôi vẫn bị bôi nhọ, xúc phạm danh dự. Vì chuyện này mà vợ tôi đang stress nặng vì mất danh dự, chưa dám đi làm lại vì không dám nhìn mặt ai. Tôi mong mọi người đừng bao giờ dính đến vay qua app. Quá kinh hoàng!” - anh Thịnh bức xúc.
Những bài báo thu hút nhiều sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Người vay cần tỉnh táo
Bạn đọc Đặng Nhung cho biết: “Do cần tiền gấp nhưng không thể tiếp cận các nơi tín dụng chính thống nên tôi đã vay qua app. Ban đầu chỉ là một app nhưng do lãi cao và để đánh đổi lại sự yên ổn, tôi đã vay thêm các app theo những lời chào mời từ app đang vay.
Hiện nay tôi đang vay các app như Vdong, Cashwagon, Atm Online, Onclick money, Tamo. Kết quả là số tiền ngày càng lớn theo thời gian và tôi đã mất khả năng chi trả, kèm theo đó là đang bị bôi nhọ danh dự, bị đe dọa khủng bố tinh thần.
Tôi vay thì phải chịu trả theo thỏa thuận, dù lãi có cao ngất ngưởng cũng phải trả cho xong. Tuy nhiên, tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ mau chóng vào cuộc để xóa bỏ các app, đồng thời một lần nữa cũng mong rằng ai có ý định vay qua app thì hãy dừng lại”.
Tương tự, anh T.V. Đạt, một nạn nhân của việc vay hàng chục app, cho hay ban đầu anh chỉ định vay một app để có tiền lúc cần gấp nhưng sau khi vay được rồi thì bất cứ ai cũng dễ bị dính vào việc vay tiền của những app mới để trả nợ cho app đang vay.
Để vay tiền từ các app này, chỉ cần nhấp vào yêu cầu là hồ sơ sẽ được thẩm định mà không cần phải cung cấp lại số điện thoại hay số CMND vì các app đã có thông tin từ lần đầu vay. Chính vì tính liên thông thông tin với nhau của các app vay tiền mà người vay mới bị cuốn vào bẫy lúc nào không hay, đến khi nợ số tiền quá lớn thì đã muộn.
Người dân kỳ vọng vào công an Sau sự kiện Công an TP.HCM khám xét Công ty Cashwagon chuyên cho vay qua app và mời nhiều người đến làm việc, nhiều bạn đọc đã bình luận thể hiện sự kỳ vọng loại hình tín dụng đen này sớm bị dẹp bỏ. - “Mong công an sẽ sớm bắt hết tất cả bọn cho vay aap về trị tội trước pháp luật. Công an cần mở rộng điều tra tất cả app cho vay đang lộng hành hiện nay, đồng thời xử lý tất cả cá nhân đăng hình ảnh người vay lên Facebook bêu xấu” - bạn đọc Nguyễn Chí Công. - “Công an vào cuộc bắt hết bọn này đi, em vay có 500.000 đồng họ chuyển khoản có 250.000 đồng, đóng trễ 10 ngày họ tăng lên gần 1,2 triệu” - bạn đọc Trịnh Hoài Phong. - “Đã có vay thì có trả, không thể khác được. Trước khi nhấn nút vay qua app thì mỗi người cần dừng lại suy nghĩ, chịu khó đọc các bài báo cảnh giác tình trạng vay qua app. Từ đó sẽ biết những người đồng cảnh ngộ đã phải lún sâu vào nợ nần không lối thoát ra sao. Lúc đó hãy quyết định vay hay không cũng chưa muộn” - bạn đọc Mỹ Lê. |