Băn khoăn bản phác thảo mẫu quốc huy Việt Nam... sẽ là bảo vật quốc gia hay di sản tư liệu?

(PLO)- Nhìn nhận di sản tư liệu là vấn đề mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị rà soát, có quy định chuyển tiếp phù hợp nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho quá trình thực hiện sau này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều qua (23-10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Tại đây, đại biểu (ĐB) Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) đã đề cập đến câu chuyện về di sản tư liệu.

Theo ĐB Đỗ Đức Hiển, đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ và dựa trên các khuyến nghị của Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO. Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện có nhiều quy định khá chi tiết, cụ thể về trách nhiệm, quy trình bảo vệ di sản tư liệu, hơn nữa ở Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề này.

“Thậm chí, quy định việc xây dựng kho bảo quản phải theo tiêu chuẩn phù hợp yêu cầu bảo vệ, bảo quản theo loại hình và chất liệu của di sản tư liệu kho bảo quản di sản...” – ĐB Hiển nêu và bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của các quy định. Từ đó, ông đề nghị quy định cần khái quát hơn, theo hướng khuyến khích các cơ quan, tổ chức thực hiện, không nên quy định “cứng” như dự thảo.

Băn khoăn bản phác thảo mẫu quốc huy Việt Nam... là bảo vật quốc gia hay di sản tư liệu?
ĐB Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Một vấn đề khác, ông Đỗ Đức Hiển cho rằng thủ tục đề nghị UNESCO ghi danh đối với di sản tư liệu còn phức tạp, nhiều tầng nấc. Trong khi đó, khuyến nghị của Chương trình ký ức Thế giới của UNESCO quy định bất cứ tổ chức, cá nhân nào được sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu tư liệu đều có quyền trình hồ sơ đề cử ghi danh di sản tư liệu khu vực hoặc thế giới của UNESCO.

“Dự thảo Luật hiện quy định điều kiện phải là di sản tư liệu trong Danh mục kiểm kê di sản tư liệu quốc gia thì mới được đề nghị ghi danh trong các danh mục của UNESCO và phải qua nhiều khâu xét duyệt” – ông nói và đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định này sao cho phù hợp với khuyến nghị của UNESCO, cho phép tổ chức, cá nhân đề cử di sản tư liệu trực tiếp lên danh mục di sản thế giới.

Dẫn chứng thêm, ĐB Hiển thông tin một số tài liệu quý của nước ta đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu khu vực hoặc thế giới, như "Mộc bản Triều Nguyễn”, ”Châu bản Triều Nguyễn”, ”Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm”… mà không phải làm các hồ sơ, thủ tục công nhận, ghi vào Danh mục kiểm kê di sản tư liệu quốc gia.

Bên cạnh đó, một số tư liệu quý của nước ta đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận là bảo vật quốc gia, như “Tập sắc lệnh của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, “Bản phác thảo mẫu quốc huy Việt Nam”. Tuy nhiên, di sản tư liệu là một chế định mới, do vậy, ĐB đoàn TP.HCM bày tỏ băn khoăn những tài liệu trên sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định về bảo vật hay di sản tư liệu.

Một lần nữa nhấn mạnh di sản tư liệu là một chế định mới, ông Hiển đề nghị rà soát, có quy định chuyển tiếp phù hợp để điều chỉnh các di sản đã được công nhận, góp phần đảm bảo cơ sở pháp lý cho quá trình thực hiện sau này.

Liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản, ĐB Đỗ Đức Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Ban soạn thảo Luật Dữ liệu để chỉnh quy định nhằm đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ.

ban-khoan-ban-phac-thao-mau-quoc-huy-viet-nam-la-bao-vat-quoc-gia-hay-di-san-tu-lieu.jpg
Các đại biểu tại phiên thảo luận chiều 23-10 về dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Ảnh: PHẠM THẮNG

Góp ý thêm, ông Đỗ Đức Hiển cho hay dự thảo Luật hiện có tới 17 điều có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các công việc có liên quan đến di sản (như đăng ký, xếp hạng, ghi danh đối với di sản; đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích…), trong đó có một số điều giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tuy nhiên, vẫn có một số điều, khoản quy định khá cụ thể như khoản 2 và 3 Điều 25, khoản 5 Điều 29, khoản 3 Điều 31… “Các quy định về trình tự, thủ tục là những nội dung thường có sự thay đổi, nhất là trong bối cảnh hiện nay” – ĐB nói và đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết.

“Việc này cũng nhằm thực hiện tinh thần đổi mới về tư duy xây dựng pháp luật cũng như bảo đảm tính thống nhất, tính ổn định, linh hoạt của luật mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập” – ĐB Đỗ Đức Hiển nói thêm.

Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 hôm 21-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Từ đó, ông yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp.

Đáng chú ý, cần phải chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Cạnh đó, các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hoá hoạt động của Quốc hội; luật hoá các quy định của nghị định và thông tư…

Xác định quyền sở hữu với bảo vật quốc gia

Góp ý về sở hữu di sản văn hóa được quy định tại Điều 4 dự luật, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP Cần Thơ) đề nghị cân nhắc quy định bảo vật quốc gia thuộc sở hữu riêng.

Theo ông, bảo vật quốc gia là di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Nếu bảo vật quốc gia được xác lập sở hữu riêng thì các tổ chức, cá nhân sẽ có quyền sở hữu đối với các di sản sẽ được quyền trao đổi, mua, bán, tặng cho. Điều này dẫn đến nguy cơ di sản dễ bị đưa ra nước ngoài hoặc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm