Báo cáo của Chính phủ cho hay sau năm năm triển khai thi hành hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh nằm trong kế hoạch xây dựng, ban hành, QH, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành 69 luật, pháp lệnh. Trong số đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…
“Còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong danh mục nhưng chưa được ban hành” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay. “Đến hết năm 2020, chúng ta có thể cụ thể hóa được 21 luật, pháp lệnh này không? Nếu không cụ thể hóa được thì tác động của nó thế nào đến những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền con người, quyền công dân…?” - Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng liên quan đến mảng hoạt động tư pháp, hệ thống luật đã khá đầy đủ nhưng có một số điểm khó trong tổ chức thi hành. Theo bà, để cụ thể hóa Hiến pháp 2013, đặc biệt là quyền con người, quyền công dân đã được Bộ luật Tố tụng hình sự và một số luật khác cũng ghi rất cụ thể nhưng quá trình triển khai thực hiện thì còn nhiều vướng mắc. Dẫn chứng về quyền ghi âm, ghi hình, trách nhiệm ghi âm, ghi hình, hoạt động hỏi cung bị can, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay đại diện Bộ Công an mới đây báo cáo là không có tiền để xây dựng các phòng ghi âm, mua máy ghi âm, ghi hình có âm thanh.
Theo bà Nga, liên quan đến chủ trương này, Chính phủ cũng đồng ý và QH cũng đã quyết. Đây là quy định nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong quá trình tố tụng nhằm tránh bức cung, nhục hình, vừa có tác dụng chứng minh cho mọi người biết việc tuân thủ pháp luật của cơ quan điều tra…
“Rất nhiều lần Bộ Công an nói không có tiền… Ngày trước chúng ta yêu cầu đến cuối năm 2019 phải thực hiện, sau này lùi một năm đến năm 2020. Nhưng vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương báo cáo là không có tiền. Nếu không thi hành được thì một quy định rất lớn của hiến pháp không được thực thi” - bà Nga nói.
Xác định lộ trình ban hành Luật Hội, Luật Biểu tình Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định công dân có nhiều quyền, trong đó có quyền hội họp, quyền biểu tình, quyền lập hội nhưng hiện nay Luật Hội và Luật Biểu tình chưa được ban hành. “Hai việc này đến mấy nhiệm kỳ rồi chúng ta vẫn chưa làm được. Luật Biểu tình, Luật Hội chưa được ban hành nên hai quyền này của công dân chưa thực hiện được theo tinh thần hiến pháp” - ông Phúc nhấn mạnh. “Đề nghị phân tích rõ nguyên nhân và xác định lộ trình để ban hành hai luật trên, không thể để kéo dài mãi, vì đây là những quyền con người, quyền công dân được quy định trong hiến pháp” - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh. |