Bản sao giấy tờ chứng thực có giá trị sử dụng trong bao lâu?

(PLO)- Luật Công chứng và Nghị định 23/2015 đều không quy định về thời hạn có hiệu lực của bản sao được công chứng, chứng thực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi đã được cấp căn cước công dân (CCCD) từ năm 2016 và hiện tại CCCD vẫn còn giá trị sử dụng.

Cách đây hai tháng tôi làm mất CCCD nhưng chưa làm thủ tục để cấp mới.

Cho tôi hỏi, nếu tôi sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) sao y chứng thực từ một năm trước để thay thế cho CCCD bản chính có được không và thời hạn sử dụng những giấy tờ được sao y chứng thực là bao lâu?

Bạn đọc Phan Hưng, TP.HCM

Người dân đến thực hiện thủ tục công chứng tại một văn phòng công chứng ở TP.HCM. Ảnh : NGUYỄN HIỀN

Người dân đến thực hiện thủ tục công chứng tại một văn phòng công chứng ở TP.HCM.

Ảnh : NGUYỄN HIỀN

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Luật Công chứng 2014 và Nghị định 23/2015 đều không quy định về thời hạn có hiệu lực của bản sao được công chứng, chứng thực.

Do vậy về nguyên tắc, bản sao được công chứng, chứng thực có giá trị vô thời hạn.

Tuy nhiên, trên thực tế, bản sao được công chứng, chứng thực có thể chia thành hai loại:

Bản sao vô thời hạn: Bản sao được chứng thực từ bảng điểm, bằng cử nhân, giấy phép lái xe mô tô… có giá trị vô hạn, trừ trường hợp bản chính đã bị thu hồi, hủy bỏ.

Bản sao có thời hạn: Bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn như Phiếu lý lịch tư pháp (6 tháng), Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (6 tháng), CCCD bản sao chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn bản gốc còn hạn sử dụng.

Ngoài ra, trước đây, Bộ Tư pháp có Công văn trả lời kiến nghị của công dân về thời hạn sử dụng và giá trị pháp lý của bản sao chứng thực từ bản chính.

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, pháp luật chứng thực không quy định về thời hạn sử dụng bản sao chứng thực từ bản chính. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định 23/2015 (về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch) thì bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu khi chứng thực. Trường hợp bản chính có sự thay đổi thông tin, nội dung thì bản sao đã được chứng thực trước đó không có giá trị sử dụng thay cho bản chính hiện tại.

Do đó, đối với trường hợp của bạn, nếu CCCD của bạn vẫn còn giá trị sử dụng thì bạn có thể sử dụng sao y chứng thực để thực hiện các giao dịch như CCCD bản chính. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, phần lớn khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự, hầu hết đều sẽ diễn ra quá trình đối chiếu giữa bản sao và bản gốc. Vì thế bạn nên làm thủ tục báo mất CCCD và yêu cầu cấp mới càng sớm càng tốt bởi nếu không thể đối chiếu thì bạn cũng không thể tham gia vào bất kỳ thủ tục hoặc giao dịch nào.

Trong khoảng thời gian đợi cấp mới, bạn có thể yêu cầu cơ quan công an xác nhận số CCCD, dựa vào văn bản này mà bạn có thể tham gia vào các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự, việc xin cấp mới CCCD cũng yêu cầu bạn phải cung cấp văn bản xác nhận số CCCD này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm