Trong vụ án lừa đảo, văn phòng công chứng có liên đới bồi thường?

(PLO)- Tại hội nghị, TAND TP.HCM đặt câu hỏi liên quan việc buộc trách nhiệm liên đới bồi thường của văn phòng công chứng trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-4, TAND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn chuyên đề “Giải đáp những vướng mắc về nghiệp vụ xét xử và hướng dẫn áp dụng pháp luật của HĐTP TAND tối cao”. Tham dự hội nghị có Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ.

Tại điểm cầu TP.HCM, ông Phùng Văn Hải, Phó chánh án TAND TP.HCM đặt đặt câu hỏi: Bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại. Trong đó, văn phòng công chứng thực hiện việc công chứng đối với các hợp đồng, các giấy tờ, tài liệu (do bị cáo làm giả), tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, khi các cơ quan tiến hành tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự của công chứng viên thì có buộc trách nhiệm liên đới bồi thường của văn phòng công chứng cùng với bị cáo hay không?

Ông Phùng Văn Hải, Phó chánh án TAND TP.HCM đặt câu hỏi tại hội nghị. ẢNH: SONG MAI

Ông Phùng Văn Hải, Phó chánh án TAND TP.HCM đặt câu hỏi tại hội nghị. ẢNH: SONG MAI

Trả lời câu hỏi này, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, bị cáo thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của bị hại. Về nguyên tắc thì ai chiếm đoạt thì người đó phải bồi thường.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử không xem xét, xử lý hành vi vi phạm của công chứng viên, không chứng minh công chứng viên đồng phạm với bị cáo cũng như sử dụng số tiền bị cáo chiếm đoạt.

Văn phòng công chứng thực hiện công chứng theo quy định pháp luật, không thể biết được thủ đoạn gian dối của bị cáo để chiếm đoạt tiền của bị hại.

Do đó, không thể buộc trách nhiệm liên đới của văn phòng công chứng bồi thường cho bị hại mà chỉ buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường (hoàn trả) số tiền đã chiếm đoạt của bị hại.

Toàn cảnh hội nghị tập huấn tại điểm cầu TAND TP.HCM. ẢNH: SONG MAI

Toàn cảnh hội nghị tập huấn tại điểm cầu TAND TP.HCM. ẢNH: SONG MAI

Bên cạnh đó, TAND TP.HCM cũng đặt thêm câu hỏi: Chủ thể của tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” quy định tại Điều 209 BLHS có bao gồm đối tượng là người thực hiện giao dịch mua, bán chứng khoán không?

Phó chánh án TAND tối cao cũng giải đáp, tại khoản 1 Điều 209 của Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động, kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì…”

Như vậy, chủ thể của tội phạm này là những người có trách nhiệm trong việc công bố thông tin về chứng khoán hoặc pháp nhân thương mại có trách nhiệm công bố thông tin về chứng khoán. Do đó, những người tham gia giao dịch mua, bán chứng khoán không phải là chủ thể của tội phạm này.

Kết luận tại hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh tòa án các cấp đã gửi câu hỏi, đóng góp ý kiến để hội nghị tập huấn diễn ra thành công.

Chánh án TAND tối cao cũng đề nghị, tòa án các cấp tiếp tục phản hồi, gửi thêm câu hỏi thêm về Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao để tổng hợp, chuẩn bị cho đợt tiếp theo. Các câu hỏi tốt sẽ có tác dụng lan toả, tạo sức ảnh hưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm