|
Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường ĐH Văn Hiến. Đây là trường vừa có chủ đầu tư mớiẢnh tư liệu Trường ĐH Văn Hiến |
Hàng loạt trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập liên tiếp được “sang tên đổi chủ” thời gian gần đây. Người ta tháo chạy do khó khăn về tuyển sinh, nội bộ lủng củng hoặc chán ngán làm giáo dục.
Đầu năm 2013, Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) chính thức có hội đồng quản trị (HĐQT) mới với các nhà đầu tư hoàn toàn mới. Các thành viên mới có người làm ở ngân hàng, có người nguyên là hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại TP.HCM, người là cán bộ của trường...
PGS.TS Quách Đình Liên, hiệu trưởng nhà trường, cho biết những năm trước đây hoạt động của trường rất khó khăn. Năm 2012, hầu như trường không tuyển được sinh viên ĐH, CĐ. Năm 2013, cố gắng lắm trường cũng chỉ tuyển được hơn 100 sinh viên. “Những năm trước, kinh phí dành cho hoạt động của trường khá khó khăn. Các nhà đầu tư mới đảm bảo kinh phí hoạt động hằng năm nên hi vọng hoạt động của trường sẽ tốt hơn” - ông Liên nói thêm.
|
Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định đã có cổ đông chiến lược mới - Ảnh: Như Hùng |
Ngán ngẩm
Cũng trong năm 2013, Trường ĐH Phan Thiết chính thức chuyển giao sang nhà đầu tư khác. Đa số nhà đầu tư mới là những người làm trong ngành giáo dục. Trong đó có người làm quản lý ở một trường ĐH lớn tại TP.HCM, một người từng là cán bộ Bộ GD-ĐT. Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định cũng đã bán cổ phần cho một nhà đầu tư mới. Không chỉ mua cổ phần, nhà đầu tư mới này trở thành cổ đông chiến lược của trường. Trước đó, trường này đứng trước nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tranh chấp nội bộ, tuyển sinh bết bát. Cuối năm 2012, Trường ĐH Văn Hiến chính thức có nhà đầu tư mới, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng sau sự thoái vốn của Công ty truyền thông đa phương tiện VTC.
Ông Trần Chút, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho biết đã bán hết cổ phần của mình cho nhà đầu tư mới. “Việc bán trường cho một chủ đầu tư như vậy là hướng tốt, chứ càng để nhiều cổ đông như trước lại diễn ra cảnh “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, trường sẽ nát hết. Tôi đã quá ngán ngẩm cảnh đó rồi nên không muốn làm nữa. Trường từng bị dừng tuyển sinh năm 2012, nếu để tình trạng đó kéo dài, có thể trường sẽ bị giải thể vì những khó khăn về tuyển sinh, cơ sở vật chất” - ông Chút nói thêm.
Trong khi đó, cuối năm 2013 Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn cũng chính thức có nhà đầu tư mới, HĐQT mới. Trường này từng bị dừng tuyển sinh liên tiếp trong hai năm 2012, 2013 do nhiều sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo cũng như mâu thuẫn nội bộ kéo dài. Một chủ đầu tư cũ của trường ngán ngẩm: “May mà tôi đã bán được cổ phần, chứ để kéo dài dù đến 10 năm mâu thuẫn nội bộ của trường cũng không giải quyết được. Trường đã bị đình chỉ hai năm, nội bộ như vậy thì nhà đầu tư nào còn khả năng chịu đựng nữa. Ngay cả cơ chế giải quyết mâu thuẫn từ cơ quan chức năng cũng không ổn. Mình rút để nhà đầu tư mới có thể ổn định trường, đảm bảo quyền lợi cho sinh viên”.
Trường có nhiều cổ đông nên nhà đầu tư mới - hiệu trưởng một trường trung cấp tại TP.HCM - đã thương lượng với từng người để mua lại hầu như 100% cổ phần của trường này. Mới đây, sau khi có chủ mới, tên trường được đổi thành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.
Họa vô đơn chí
Chỉ trong vài ba năm trở lại đây, có đến cả chục trường trung cấp trên địa bàn TP.HCM đã “sang tên đổi chủ”. Có thể kể đến vài cái tên như Trung cấp Phương Đông, Gia Định, Hồng Hà, Tây Bắc... Đó là chưa kể nhiều trường cũng đang rao bán. Tuyển sinh của các trường vốn gặp rất nhiều khó khăn, nay với việc trường ĐH được tuyển sinh riêng, tình trạng “chết dần” này được dự báo còn diễn tiến nhanh hơn.
Quy định trường ĐH giảm dần và ngừng tuyển sinh trung cấp vào năm 2017, một số trường ĐH đã nhanh chân “đẻ” thêm trường trung cấp trong trường ĐH hoặc tìm mua trường trung cấp bên ngoài. Trong đó, Trường trung cấp kinh tế - công nghệ Gia Định đã về chung mái nhà với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Một cán bộ Trường ĐH Hồng Bàng cho biết hiện đang thương thảo để “sáp nhập” Trường trung cấp Mai Linh về Trường ĐH Hồng Bàng. Ông Trần Trung Chính, hiệu trưởng Trường trung cấp Mai Linh, cho biết việc tuyển sinh của trường những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2013, rất khó khăn.
Cũng với tâm tư này, chủ đầu tư, nguyên hiệu trưởng một trường trung cấp tại TP.HCM, cho biết tuy tuyển sinh của trường những năm qua khó khăn, hoạt động bị lỗ nhưng vẫn cầm cự được. Thế nhưng năm nay bộ cho phép các trường ĐH tuyển sinh riêng, tuyển sinh nhiều đợt. Trường ĐH cũng xét tuyển như trường trung cấp thì còn ai vào học trung cấp nữa. Bộ mở toang cửa với trường ĐH đồng nghĩa với việc “bóp chết” bậc trung cấp.
“Thông tư về liên thông đã là cú đấm choáng váng với các trường trung cấp, người học trung cấp giảm đến 2/3 so với năm trước. Thế nhưng cứ nghĩ cố gắng cầm cự qua cơn bão trời lại sáng, nhưng nay bão càng mạnh hơn nên buông luôn” - hiệu trưởng một trường trung cấp tại TP.HCM nói.
Trường trung cấp sẽ “chết” Chủ đầu tư chính của Trường trung cấp Hồng Hà đã thoái phần lớn vốn đầu tư khỏi trường. Trường trung cấp Kinh tế du lịch TP.HCM cũng đang trong quá trình thương thảo để bán cho nhà đầu tư khác. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư tại Trường trung cấp Công nghệ tin học viễn thông Đồng Nai đã bán 60% cổ phần của mình, rút hoàn toàn khỏi hoạt động của trường. Một chủ đầu tư cho biết: “Nhiều nhà đầu tư đã hoạt động trong ngành giáo dục nhiều năm nhưng việc tuyển sinh cực kỳ khó khăn. Năm nay Bộ GD-ĐT cho phép trường ĐH tuyển sinh nhiều đợt nữa thì trường trung cấp “chết” luôn. Vì thế chúng tôi quyết định rút vốn đầu tư”. |
Theo MINH GIẢNG (TTO)
Kỳ 2: “Chỉ muốn bỏ trường mà đi...”