Bàn về hướng đầu tư và tài trợ cho văn hóa

(PLO)- Tại hội thảo bàn về việc đầu tư và tài trợ cho lĩnh vực văn hoá, NSƯT Cao Ngọc Ánh cho hay lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện đang có rất nhiều bất cập...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam. Sự kiện do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức.

Hội thảo nhằm cung cấp cho công chúng góc nhìn toàn diện và sát với thực tế về các nhóm vấn đề như vai trò và sự cần thiết của hoạt động đầu tư và tài trợ cho văn hóa; những nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp và kinh nghiệm về đầu tư, tài trợ cho văn hóa ở một số quốc gia, từ đó, gợi mở các hướng áp dụng cho Việt Nam.

Nghệ thuật biểu diễn

Nhạc sĩ Quốc Trung trao đổi tại Hội thảo khoa học Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam. Ảnh: VT

Tại hội thảo, nhạc sĩ Quốc Trung cho hay để phát triển và mang lại lợi ích kinh tế, tất cả các ngành nghề, bao gồm cả văn hóa, đều cần có sự đầu tư, xây dựng kế hoạch và hoạch định chiến lược rõ ràng

"Việc xác định mục tiêu đầu tư và các mục tiêu cần đạt được cho từng giai đoạn phát triển là rất quan trọng" - nhạc sĩ Quốc Trung nhấn mạnh.

Cần có những chính sách ưu đãi về thuế

Tại đây, ông Jérémy Segay, Tuỳ viên nghe nhìn khu vực Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã lấy dẫn chứng cụ thể từ cơ chế công của Pháp trong việc hỗ trợ cho điện ảnh. Cụ thể, các hãng truyền hình ở Pháp phải đầu tư ngược trở lại cho việc sản xuất các phim truyền hình.

Trong bài tham luận của mình, TS Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam) cho biết ông nhìn văn hoá ở góc độ kinh tế chính sách. Theo ông, hiện nay, công nghiệp văn hóa hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới.

nghe-thuat-bieu-dien-hien-dang-co-rat-nhieu-bat-cap.jpg
Các đại biểu trao đổi tại toạ đàm.

Tuy nhiên ở Việt Nam, sau 6 năm (2016 - 2022) thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo Quyết định số 1755 đã được phê duyệt, thì ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Đưa ra câu chuyện cụ thể về đầu tư cho văn hoá ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, TS Hà Huy Ngọc cho rằng chúng ta cần tăng cường công tác nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và khoa học tiên tiến thế giới để hoàn thiện, làm phong phú hơn kho tàng văn hóa, tri thức của Việt Nam.

Đồng thời, chúng ta cũng cần đưa tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới, góp phần bổ sung tinh hoa văn hóa nhân loại; đấu tranh chống lại những sản phẩm văn hóa không lành mạnh từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.

Phân tích về mô hình “cánh tay nối dài” trong chính sách văn hoá của Vương quốc Anh, PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội) gợi ý Việt Nam có thể nghiên cứu, vận dụng mô hình này bằng cách trao quyền nhiều hơn cho các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp như: Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia…

Cạnh đó, chúng ta cần thành lập các hội đồng chuyên môn như Hội đồng nghệ thuật, Hội đồng thủ công,… với nhiệm vụ hoạch định các chính sách cụ thể, lên kế hoạch triển khai; tư vấn phân bổ ngân sách nhà nước cho từng lĩnh vực, cho các đơn vị văn hoá nghệ thuật; tư vấn về chuyên môn và thực hiện chế độ báo cáo.

Song song đó, chúng ta cũng cần đẩy mạnh thành lập các quỹ bảo trợ nghệ thuật, quỹ phát triển điện ảnh, âm nhạc... Nhà nước đặt hàng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, bảo trợ các giải thưởng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hoá nghệ thuật.

"Nhà nước đóng vai trò kiến tạo môi trường pháp luật và hình thành hệ sinh thái văn hoá đa dạng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng về văn hoá cho mọi người. Đặc biệt, nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư văn hoá nghệ thuật” - PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên nêu ý kiến.

Văn hóa đang nhận được rất nhiều sự quan tâm

Trong tham luận của mình, TS Nguyễn Văn Tình khẳng định trong thời gian vừa qua Đảng và nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa và cũng chưa bao giờ văn hóa được nhân dân ta quan tâm như hiện nay.

“Là người đã dành cả cuộc đời chức nghiệp của mình cho công tác đối ngoại của ngành văn hóa, tôi nhận thức và tin rằng việc hợp tác với quốc tế đã và đang mang lại những lợi ích hết sức tích cực và to lớn cho ngành văn hóa” - TS Nguyễn Văn Tình cho biết.

Bằng việc nêu dẫn chứng về mô hình đầu tư cho văn hoá ở một số nước, TS Nguyễn Văn Tình cũng nêu ý kiến, hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương đang khẩn trương và quyết liệt thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy và cơ cấu tổ chức.

Dù trong điều kiện nào, Bộ VH-TT&DL vẫn cần khẩn trương tiến hành xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy và cơ cấu tổ chức bên trong nội bộ của bộ.

Trao đổi tại hội thảo, NSƯT Cao Ngọc Ánh nêu thực tế, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện đang có rất nhiều bất cập. Cụ thể, lĩnh vực này chưa đồng bộ từ thể chế đến hạ tầng và nhân lực. Đi ngược từ nguồn nhân lực - hệ thống nghệ sỹ biểu diễn, đội ngũ sáng tạo và các kỹ thuật viên chuyên nghiệp đang còn thiếu và rất yếu.

"Các thiết chế phục vụ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn thiếu và yếu. Tại Thủ đô Hà nội, các rạp hát đủ tiêu chuẩn quốc tế đếm trên đầu ngón tay, hiện nay, chỉ có thể kể đến Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm là đạt tiêu chuẩn nhóm A trên thế giới; còn lại đều đã quá cũ không đáp ứng thỏa mãn cho các chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Các điểm diễn ngoài trời có sức chứa cho các show ca nhạc lớn cũng như vậy phải tận dụng sân vận động, nhà thi đấu” - ThS Cao Ngọc Ánh dẫn chứng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi về thực tiễn hoạt động đầu tư, hỗ trợ tài chính từ khu vực công, tư và đóng góp từ các nguồn đa dạng khác cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung trong thời gian qua, cũng như trong mục tiêu định vị thương hiệu của địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm