Bánh Trung thu có dòi: Xác tín?

Mới đây một người tiêu dùng (NTD) ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam đã phải hầu tòa và chịu mức phạt 12 triệu đồng vì đăng tải lên Facebook thông tin bánh Trung thu của một cơ sở sản xuất có dòi. Mặc dù chị này có chụp ảnh, quay clip chiếc bánh có một con vật bò bên trên, có nhân chứng… nhưng chị đã không giữ chiếc bánh “có vấn đề” lại để làm vật chứng. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Như vậy, khi phát hiện thực phẩm có nghi vấn về an toàn thực phẩm (ATTP), người dân cần phản ánh đến đâu, như thế nào để tránh bị kiện ngược?

Phản ánh là quyền và trách nhiệm

Theo chuyên gia luật Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM, khi phát hiện mua phải sản phẩm kém chất lượng, trước hết người dân cần liên hệ nơi bán hàng hoặc nhà sản xuất để yêu cầu đổi lại sản phẩm khác. Đối với thức ăn hay thức uống, NTD gặp phải sản phẩm có vấn đề như bị mốc hay có vật lạ… mà mình nghi ngờ, lo ngại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì có thể liên hệ ngay với các cơ quan quản lý nhà nước như chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, thanh tra y tế… để thông báo vụ việc. Đây là quyền mà cũng là nghĩa vụ của mọi NTD.

Sau khi các cơ quan trên nhận được thông tin thì sẽ tiến hành thanh tra, lấy mẫu sản phẩm lưu tại nơi sản xuất để xét nghiệm. Nếu có đủ cơ sở chứng minh thực phẩm có những chất gây ngộ độc cho người sử dụng, người dân có quyền yêu cầu nhà sản xuất bồi thường với những chứng cứ chứng minh sự thiệt hại do việc sử dụng thực phẩm này gây ra theo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Nếu việc thương lượng mức bồi thường không đạt kết quả, NTD có thể khởi kiện, yêu cầu tòa giải quyết.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, cho biết đối với địa bàn TP.HCM, người dân có thể báo tin cho Ban Quản lý ATTP TP.HCM qua đường dây nóng 02839301714. Thực phẩm có nguy cơ gây mất an toàn phải được giữ lại để cơ quan chức năng thực hiện những bước tiếp theo.

Người tiêu dùng  bị phạt tiền khi đăng thông tin bánh Trung thu có dòi và kết luận điều tra của Công an huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Để không bị kiện ngược

Bà Thu thông tin trên thực tế đối với thực phẩm là loại hàng hóa dễ hư hỏng do phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài tác động như thời gian không để lâu được, quá trình vận chuyển, bảo quản không tốt… có thể làm biến đổi chất lượng sản phẩm. Thông thường khi phát hiện, người dân chỉ có thể yêu cầu nơi bán đổi sản phẩm khác. Nếu NTD muốn kiểm nghiệm thực phẩm mình đã mua thì không thể đưa đi xét nghiệm cái mình đã khui mở, tháo bao bì hay đã sử dụng dở dang mà chỉ được yêu cầu xét nghiệm sản phẩm còn nguyên. Đối với nước giải khát có vật lạ…, trước khi kiểm nghiệm chất lượng nước bên trong, nhà sản xuất có thể nhờ cơ quan giám định xem nắp chai có bị khui và đóng lại hay không.

Để tránh tình huống có thể bị coi là vi phạm pháp luật trong quá trình đòi quyền lợi cho mình, bà Thu lưu ý khi phát hiện sản phẩm bị lỗi, NTD nên liên hệ, báo với cửa hàng hoặc nhà sản xuất. Nơi này có thể đổi lại sản phẩm hoặc tặng khách hàng một số sản phẩm khác như lời cám ơn đã có sự quan tâm đến thương hiệu của mình.

Nếu nghi ngờ thực phẩm có dấu hiệu gây ảnh hưởng sức khỏe nên báo với các cơ quan có thẩm quyền, chức năng, đầy đủ trang thiết bị để có biện pháp can thiệp kịp thời. Tuyệt đối không nên mang những sản phẩm mà mình cho là kém chất lượng đăng lên trang mạng, dù là Facebook cá nhân khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng.

Đối với bánh Trung thu là sản phẩm đã qua nướng trong lò mà xảy ra tình trạng có dòi (còn sống) có thể là do bao bì bị rách, bánh để nơi ẩm ướt. Bao bì bị rách, môi trường ẩm ướt khiến không khí tiếp xúc trực tiếp với bánh làm bánh bị mốc, hư. Một khi bánh hư, không còn khô cứng thì dễ phát sinh dòi.

BS ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP, 
Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới