Theo đó, báo nói, báo hình phải được lưu giữ nguyên trạng tối thiểu sáu tháng kể từ ngày được phát sóng lần đầu; đối với báo điện tử, thời gian lưu trữ nguyên trạng ít nhất là 12 tháng kể từ ngày đăng tải lần đầu.
Quy định này là nhằm sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về báo chí gồm: Đánh giá; nhận xét về nội dung thông tin theo chuyên đề, sự kiện; cho các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu.
Đặc biệt, các tác phẩm báo chí lưu chiểu điện tử còn được sử dụng làm căn cứ để xử lý trong trường hợp tác phẩm có nội dung sai phạm.
Bộ TT&TT là cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử; kiểm tra nội dung tác phẩm báo chí lưu chiểu, phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử có trách nhiệm thực hiện chế độ lưu chiểu theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 52 Luật Báo chí; cung cấp tín hiệu truyền dẫn (đối với báo nói, báo hình), quyền truy xuất dữ liệu (đối với báo điện tử) theo yêu cầu của cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử; đồng thời đảm bảo tính thống nhất, chính xác giữa nội dung tác phẩm đăng, phát với nội dung tác phẩm cung cấp cho cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử.