Báo động tình trạng lạm dụng kháng sinh trong tự điều trị COVID-19

Nhiều bệnh nhân COVID-19 trên khắp thế giới đã và đang sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong quá trình tự điều trị, bất chấp thực tế COVID-19 là một bệnh viêm phổi do virus gây ra và chức năng của thuốc kháng sinh không phải để trị virus.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), thuốc kháng sinh chỉ cần thiết trong điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, song ngay cả một số bệnh nhiễm trùng cũng tự thuyên giảm mà không cần dùng thuốc kháng sinh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngay từ năm 2020 đã cũng đã đưa ra hướng dẫn cho các cơ sở y tế không cung cấp liệu pháp kháng sinh hoặc điều trị dự phòng cho những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 nhẹ, hoặc trung bình nếu bệnh nhân không nhiễm vi khuẩn trên lâm sàng.

Dù đã có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể như vậy nhưng tình trạng sử dụng kháng sinh ngày càng báo động trên thế giới.

Báo động tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trên thế giới

Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) báo động rằng người dân ở nhiều quốc gia đang lạm dụng thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi khuẩn khác để chữa trị COVID-19.

Cơ quan này cho biết một số quốc gia ở châu Mỹ, bao gồm Argentina, Uruguay, Ecuador, Guatemala và Paraguay là những nơi ghi nhận số ca kháng kháng sinh tăng nhanh chóng.

Dữ liệu từ các bệnh viện trong khu vực này cho thấy 90% đến 100% bệnh nhân COVID-19 nhập viện đã sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình tự điều trị. Tuy nhiên, chỉ có 7% trong số đó bị nhiễm trùng thứ cấp (như sốt, ho, đau họng,...) buộc phải sử dụng những loại thuốc kháng sinh để điều trị.

Ở châu Phi, sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị COVID-19 đã trở thành điều bình thường. Một nghiên cứu đăng trên trang Springer về việc sử dụng kháng sinh trong điều trị COVID-19 ở 10 quốc gia châu Phi là Nigeria, Nam Phi, Ghana, Uganda, Kenya, Botswana, Ethiopia, Liberia, Zimbabwe và Rwanda cho thấy rằng kháng sinh được cơ quan chức năng khuyến nghị trong hướng dẫn điều trị COVID-19.

Báo động tình trạng người dân trên thế giới lạm dụng kháng sinh để điều trị COVID-19. Ảnh: NCHR

Mặc dù WHO khuyến cáo rằng không nên dùng kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ, trung bình nhưng các quốc gia châu Phi nói trên vẫn khuyến nghị sử dụng kháng sinh điều trị triệu chứng COVID-19 nhẹ.

Ở châu Âu, dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho thấy tổng lượng kháng sinh tiêu thụ cho người ở khu vực này giảm hơn 15% tính từ năm 2019 đến 2020. Dù tổng lượng tiêu thụ trên toàn châu Âu giảm nhưng những kết quả điều tra sơ bộ của WHO về lượng tiêu thụ kháng sinh ở các nước đông Âu và Trung Á cho thấy nhu cầu dùng kháng sinh ở những khu vực này tăng cao.

Hậu quả khôn lường

Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cho rằng việc lạm dụng kháng sinh đã khiến vi khuẩn có những cơ chế biến đổi, phát triển để “tránh” tác dụng của thuốc kháng sinh và khiến các loại thuốc quan trọng này dần mất tác dụng khi điều trị, dù tăng liều dùng.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi tháng 6-2020 lo ngại rằng việc lạm dụng kháng sinh để chữa COVID-19 sẽ khiến vấn đề kháng kháng sinh trở nên trầm trọng và ngày càng có nhiều ca tử vong do COVID-19 hơn nữa.

Ông Tedros gọi vấn đề kháng thuốc kháng sinh là “một trong những thách thức cấp bách nhất của thời đại chúng ta”. Ông còn cho biết tình trạng lạm dụng quá mức thuốc kháng sinh ở một số quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia có thu nhập thấp với nguồn cung kháng sinh không dồi dào thì sẽ gây ra những “đau khổ và cái chết không đáng có” cho những đối tượng thật sự cần nó.   

Bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ quá tải vì bệnh nhân COVID-19 hồi tháng 4-2021. Ảnh: REUTERS

Theo CDC, các chuyên gia lo ngại rằng việc lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến kháng kháng sinh sẽ khiến áp lực gia tăng lên các bệnh viện. Ví dụ, một số bệnh nhân nhiễm COVID-19 sẽ phải ở lại bệnh viện trong thời gian dài để điều trị do kháng sinh đã “bất lực” trong việc điều trị các triệu chứng. Điều này khiến cho bệnh viện thiếu nhân lực để chăm sóc bệnh nhân và điều trị sớm cho các bệnh nhân nhập viện mới.

Cũng theo CDC, việc sử dụng kháng sinh trong liệu trình điều trị COVID-19 có thể làm tăng tốc độ kháng kháng sinh và gây ra những tác dụng phụ như chóng mặt, phát ban, buồn nôn, tiêu chảy.

Gần đây, Ấn Độ cũng đã ra khuyến nghị mới, kêu gọi người dân hạn chế tự dùng thuốc steroid để trị COVID-19. Chính việc lạm dụng loại thuốc này đã gây ra rối loạn sinh hoá và để lại hậu quả là hơn 50.000 ca nhiễm nấm đen mà nước này ghi nhận vào tháng 11-2021.

Làm gì khi điều trị COVID-19 tại nhà?

Khuyến nghị của CDC Mỹ và Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh cho thấy những điểm chung về việc hướng dẫn những người mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ hoặc trung bình.

Cụ thể, đầu tiên, người bệnh phải nghỉ ngơi thật nhiều để giúp cơ thể có sức khoẻ chống lại virus.  Thứ hai là phải uống thật nhiều nước hoặc truyền nước để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể. Thứ ba là nếu bị sốt thì nên uống các loại thuốc hạ sốt không theo đơn như acetaminophen (Paracetamol) hoặc ibuprofen. Còn nếu bị ho, tốt nhất bệnh nhân nên tránh nằm ngửa mà hãy nằm nghiêng hoặc ngồi thẳng lưng. Để giúp giảm ho, người bệnh nên uống một thìa cà phê mật ong nhưng không nên cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi uống mật ong.

Một người dân tự test COVID-19 tại nhà. Ảnh: GETTY IMAGES

Đối với những người có nguy cơ bệnh trở nặng thì có thể tự điều trị bằng những biện pháp mà Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt như tiêm kháng thể đơn dòng, uống thuốc trị COVID-19 mà cơ quan này đã phê chuẩn.

Nếu điều trị không tiến triển mà bệnh có dấu hiệu trở nặng hơn thì liên hệ với cơ quan y tế để giải quyết. 

Về chế độ dinh dưỡng, một nghiên cứu của ĐH Oxford chỉ ra rằng đảm bảo dinh dưỡng trong ăn uống không có tác dụng ngăn chặn COVID-19 nhưng có thể cải thiện sức khoẻ, giảm thiểu nguy cơ và bệnh tật liên quan đến COVID-19.

Nghiên cứu này tổng hợp những khuyến nghị dinh dưỡng của 48 cơ quan chính phủ như Mỹ, Úc, Brazil, Canada, Ý, Tây Ban Nha và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc,...

Theo đó, phần lớn các tài liệu khuyến nghị mọi người có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng các chất kích thích. Đặc biệt là nên ăn trái cây, rau và các loại thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung các khoáng chất như kẽm và vitamin như A, C, D nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm