ĐH Oxford: COVID-19 khiến não co lại, giảm chất xám ở nhiều vùng quan trọng

Một nghiên cứu của ĐH Oxford đã chỉ ra rằng COVID-19 có thể khiến não co lại, giảm chất xám ở các vùng kiểm soát cảm xúc và trí nhớ, đồng thời làm tổn thương các vùng kiểm soát khứu giác, tờ The Straits Times ngày 8-3 đưa tin.

COVID-19 khiến não co lại, làm giảm trí nhớ

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, các bất thường này thậm chí còn được phát hiện ở những bệnh nhân mắc COVID-19 có các triệu chứng nhẹ và không nhập viện.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết hiện họ vẫn chưa biết các triệu chứng này có thuyên giảm hay biến mất hoàn toàn theo thời gian hay không.

Dù vậy, nghiên cứu được công bố ngày 7-3 khẳng định "có bằng chứng chắc chắn về những bất thường ở não của những bệnh nhân COVID-19".

Các vùng màu đỏ-vàng là phần não co lại nhiều nhất ở 401 người mắc COVID-19, so với 384 người không bị nhiễm. Ảnh: ĐH OXFORD

Ngay cả với những trường hợp mắc bệnh nhẹ, các nhà khoa học vẫn tìm thấy "sự suy yếu của chức năng điều hành" vốn chịu trách nhiệm giúp cơ thể tập trung và sắp xếp thông tin. Họ cũng phát hiện kích thước não trung bình giảm từ 0,2% đến 2%.

Nghiên cứu đã thu hút sự tham gia của 785 tình nguyện viên trong độ tuổi 51-81. Họ được chia thành hai nhóm: 401 tình nguyện viên đã mắc COVID-19, trong đó 15 người phải nhập viện; và 384 người chưa từng mắc COVID-19.

Những người ở nhóm đầu tiên được chụp cắt lớp não hai lần. Lần chụp thứ hai được thực hiện trung bình 141 ngày sau lần chụp đầu tiên. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh các hình ảnh thu được với nhóm thứ hai (nhóm đối chứng) và cho ra các kết quả như trên.

Nghiên cứu được thực hiện vào thời điểm biến thể Alpha đang chiếm ưu thế ở Anh. Trong số các tình nguyện viên không ai mắc biến thể Delta.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một số người mắc COVID-19 bị chứng "sương mù não" hoặc gặp các tình trạng bất thường về tinh thần bao gồm suy giảm khả năng chú ý, khả năng tập trung, tốc độ xử lý thông tin và trí nhớ.

Các nhà nghiên cứu không cho biết liệu vaccine COVID-19 có ảnh hưởng gì đến tình trạng bệnh hay không. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh Y tế Anh hồi tháng trước cho biết một đánh giá tổng quan của 15 nghiên cứu cho thấy những người được tiêm chủng có nguy cơ mắc các triệu chứng hậu COVID-19 chỉ bằng một nửa so với người chưa được tiêm phòng.

Một số giả thiết khác

Theo một nghiên cứu khác sắp được công bố Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu vào tháng 4, tổn thương dây thần kinh phế vị - kéo dài từ não xuống thân - là nguyên nhân gây ra nhiều triệu chứng hậu COVID-19, theo tờ The Times.

Sau khi nghiên cứu gần 350 bệnh nhân mắc di chứng hậu COVID-19, các nhà khoa học phát hiện ra rằng 66% trong số đó có các triệu chứng cho thấy tổn thương dây thần kinh phế vị, bao gồm nhịp tim bất thường, chóng mặt và các vấn đề về đường tiêu hóa.

Các nhà khoa học phát hiện một số người mắc COVID-19 bị chứng "sương mù não" hoặc gặp các tình trạng bất thường về tinh thần. Ảnh: REUTERS

Một nghiên cứu khác gần đây, được công bố ngày 1-3 trên tạp chí Neurology® Neuroimmunology & Neuroinflammation cũng chỉ ra tổn thương dây thần kinh có khả năng là thủ phạm gây ra nhiều triệu chứng.

Tuy nhiên, với hơn 200 triệu chứng khác nhau được tìm thấy ở những người mắc di chứng hậu COVID-19, có thể sẽ không có một nguyên nhân duy nhất.

Theo Tiến sĩ Gemma Lladós - một trong các nhà khoa học đứng sau nghiên cứu dây thần kinh phế vị, tổn thương dây thần kinh có thể giải thích cho nhiều trường hợp, nhưng chắc chắn không thể giải thích tất cả.

Hệ thống mạch máu là một lĩnh vực khác thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Biochemical Journal hồi tháng 2 lập luận rằng các cục máu đông nhỏ trong máu có thể gây ra nhiều triệu chứng COVID-19 kéo dài vì nó ngăn cản oxy đến các mô của cơ thể.

Các nhà nghiên cứu khác đưa ra giả thuyết rằng tàn tích của virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong cơ thể và gây ra các triệu chứng hậu COVID-19. Ở một số bệnh nhân, COVID-19 có thể đẩy hệ thống miễn dịch vào trạng thái hoạt động mạnh khiến nó tự tấn công chính mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm