Bạo hành tinh vi - Nỗi khiếp đảm trong gia đình

Phụ nữ dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo hành nhưng tự giải thoát khỏi bạo hành chưa bao giờ là việc dễ dàng, bởi sĩ diện cá nhân và định kiến xã hội là những thành trì quá lớn.

Sự im lặng đáng sợ của nạn nhân

Một chuyên gia tư vấn cho biết bà đã phải theo dõi và giúp đỡ một cô gái trẻ trong thời gian rất dài, vì cô nổi loạn, muốn bỏ đi biệt tích do cuộc sống gia đình quá sức chịu đựng. Cha cô thường xuyên bạo hành tinh thần mẹ cô bằng những lời lẽ rất khủng khiếp. Ông là một công chức có địa vị. Hằng ngày ông đến cơ quan với thái độ hết sức nhã nhặn, lịch sự, vui vẻ nhưng khi về nhà với vợ con thì ông hoàn toàn biến thành con người khác. Ông cay nghiệt chửi bới bà: “Có nhiệm vụ đẻ thôi mà cũng không biết đẻ”, bởi bà chỉ sinh được hai người con gái. Bà là trụ cột kinh tế, tạo dựng được cơ ngơi bề thế nhưng ông luôn coi thường. Ngày nào ông cũng mỉa mai: “Bà làm nhiều tiền để cho trai phải không? Con gái rồi cũng theo không người ta, cần gì có tỉ này tỉ nọ. Dại trai thì… nói mẹ ra đi”. Hôm nào có nam giới tới giao dịch thì ông xéo xắt bà “thậm thụt với trai”. Bà luôn im lặng chịu đựng. Trước khi đến với ông, bà đã ly hôn một lần vì chồng cũ vũ phu, nay không dám ly hôn lần nữa vì quá sợ điều tiếng, sợ con gái khi lấy chồng sẽ bị khinh khi.

Chị bạn tôi là giám đốc một đơn vị, lúc nào chị cũng nhoẻn miệng cười xinh tươi, không ai biết mỗi khi đêm xuống thì đó là địa ngục với chị. Chị là nạn nhân của dạng bạo hành bằng vũ lực tinh vi đến mức không ai phát hiện người vợ đêm trước đó bầm dập thân thể vì chồng. Đánh ở vùng kín, cưỡng bức tình dục, cào cấu những bộ phận cơ thể mà trang phục công sở có thể che lấp… là cách những kẻ “đánh vợ thông minh” sử dụng, chồng của chị cũng dùng chiêu ấy.

Một phụ nữ ở thành phố bị chồng bạo hành và đuổi ra khỏi nhà. Ảnh minh họa: HTD

Nhẹ dạ đáng trách và áp lực gia đình

Điều đau đầu khác cho các nhà báo, cơ quan, đoàn thể khi chung tay tuyên truyền, xử lý chống bạo lực gia đình là sự nhẹ dạ cả tin. Một phụ nữ ở huyện Hóc Môn gửi đơn lẫn gọi điện thoại đến tòa báo kêu khóc vì bị chồng đánh thâm tím mặt mày, nhốt ngoài đường do chị đi làm ca. PV và địa phương tìm đến, chị đòi phải “tống ổng vô tù vì đánh tui nhiều lần tàn tệ lắm”. Nhưng ngay ngày hôm sau chị lại nói: “Thôi tui không tố ổng nữa vì ổng năn nỉ tui rồi”. Một tuần trôi qua, PV lại nhận được cuộc gọi của chị: “Nó rượt đánh tui, tui đang tá túc nhà bạn”…

Những vụ tương tự không phải là ít. Nhiều hòa giải viên ở TP.HCM cho biết có những ca họ phải hòa giải rất nhiều lần cũng vì nạn nhân mềm lòng xin rút đơn, chấp nhận cho ông chồng “làm lại từ đầu” không biết bao nhiêu lần cho đến khi bị bạo hành vượt ngưỡng. Có chị khi quyết bỏ chồng thì lại bị gia đình ngăn cản. Ai từng đọc truyện Hai lần chết của Thạch Lam mới hiểu những quan niệm cổ hủ của gia đình sẽ dìm chết người phụ nữ như thế nào. Việc gây áp lực buộc con gái về lại nhà chồng, dù biết con bị bạo hành với quan niệm xuất giá tòng phu và để đỡ xấu hổ gia đình đâu phải đã chấm dứt trong cuộc sống hiện đại.

Xã hội đầy định kiến

Trong một vụ xét xử lưu động tại tỉnh nọ, rất nhiều người kéo đến xem mặt nạn nhân với thái độ khinh bỉ. Chồng nạn nhân trong cơn cuồng ghen đã chém chết tình địch và chém trọng thương vợ. Người chồng trình bày mình rất yêu vợ nên không kiểm soát được hành vi, nhiều người dự khán đã vỗ tay ủng hộ anh. Người vợ trình bày chị bị anh bạo hành nhiều lần, chị đã xin chồng giải thoát nhưng anh dọa sẽ giết chị. Vậy là chị trốn chạy…       

HĐXX đã hỏi chị những câu rất tổn thương: “Bị hại chưa ly hôn chồng mà bỏ theo người khác, bị hại thấy như vậy là đúng hay sai?”. Phiên tòa có lúc trở thành phiên luận tội người phụ nữ, chị rúm ró giữa những người dự khán. Câu chuyện trên từng được thảo luận trong một buổi hội thảo tại TP.HCM về bình đẳng giới, có nhiều báo đài và đại diện UNICEF tham dự. Một đại biểu của UNICEF phát biểu: “Có rất nhiều bài báo mang đầy định kiến giới và không công bằng cho người phụ nữ”.

Thậm chí trong vụ việc chồng tạt nước sôi vợ gần đây (loạt bài “Những phụ nữ chết chìm trong bạo hành gia đình”, báo Pháp Luật TP.HCM khởi đăng từ ngày 3-11), cũng có bài báo “lội ngược dòng” chỉ ra lỗi của người vợ là không lựa lời khi chồng chưa tỉnh rượu, xây dựng hình ảnh nạn nhân thành một phụ nữ đanh đá, lắm điều dù không khó để biết đã mấy chục năm bà bị bạo hành khủng khiếp, công an can thiệp rồi đâu lại vào đấy.

Hãy nhớ rằng sẽ không ai, kể cả luật pháp, giải thoát được phụ nữ khỏi tình trạng bạo hành nếu không phải chính các chị tự giải thoát cho mình.

Bạn đọc phản hồi

Tôi trải chuyện bạo hành và tôi chọn ly hôn. Tôi cũng bị chồng đánh đến điếc tai bên trái. Tôi cũng bị mẹ nói: “Tao ở với cha mày, bị đánh thế nào cũng không dám nói gì...”. Khi quyết định vùng thoát ra, tôi bị mọi người cô lập, khổ vô cùng tận nên khi đọc loạt bài trên báo Pháp Luật TP.HCM, tôi khóc rất nhiều...

Chị (Hà Nội)

Vấn đề là phải có giải pháp nào đó triệt để chứ nhiều người vợ không dám bỏ chồng vì không biết đi đâu, làm gì... Người phụ nữ cần có nghề nghiệp tốt, thu nhập tốt, tự chủ về tài chính để có thể tự nuôi mình và nuôi con. Nhiều kẻ khốn nạn lắm, bỏ được rồi thì mấy ổng cũng đeo bám suốt, không yên được... Cần có kế sách đảm bảo cho cuộc sống của phụ nữ hậu ly hôn.

Bạn đọc Lê Quỳnh Liên

Còn một thứ bạo lực nữa: Bạo lực tinh thần. Có những người đàn ông coi nhà mình như nhà trọ, thích đi thì đi thích về thì về, không quan tâm vợ con, ngang nhiên cặp bồ, dùng lời nói khủng bố tinh thần làm cho vợ khổ tâm.

Bạn đọc Bình Ngô

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới