Vài năm gần đây, ngành bảo hiểm y tế (BHYT) đã không còn tình cảnh đi khám chữa bệnh BHYT bị phân biệt đối xử, ngồi chờ vất vưởng, bác sĩ lơ là, thuốc men thì được cấp phát loại thứ cấp… Kể cả địa điểm khám, chữa bệnh cũng linh động hơn, như đăng ký nơi này nhưng khi cấp bách cũng có thể thăm khám, chữa bệnh nơi khác.
Mừng hết biết
Một anh chạy xe ba bánh Trung Quốc bảo hôm trước Tết anh bị tai nạn giao thông, bầm dập cả người khi xe anh chở quá tải, bị bể bánh lật nghiêng. Vào bệnh viện, vợ anh đưa thẻ BHYT được các nhân viên phòng cấp cứu tiếp chu đáo; các y, bác sĩ cũng tận tâm; không bị phân biệt đối xử như trước kia. Anh nằm bệnh viện mất năm ngày, cộng thuốc men, kháng sinh loại tốt mà khi về vợ anh chỉ đóng có mấy trăm ngàn. Anh mừng hết biết.
Khi anh bị tai nạn, nhà hết tiền vì mới mua sắm Tết và cho tiền con gái đưa bà ngoại về quê ngoài Trung. Vợ anh phải chạy đi vay nóng chục triệu phòng khi bác sĩ kêu mua thuốc men hay phẫu thuật, vậy mà khi xuất viện về còn nguyên tiền vay, chỉ mất vài trăm tiền lãi thôi. Nghỉ hơn hai tuần, coi như nghỉ Tết luôn. Sau Tết anh đã có thể chạy xe chở hàng. Chưa hết hạn BHYT mà vợ anh liên tục hối thúc anh đi mua cái mới, kẻo trễ. Anh cười phấn khởi: “Không cần vợ bảo, tôi cũng lo mua”.
Tại bàn bán BHYT phường, nhiều người đang chờ tới lượt, ngồi nói chuyện với anh chàng lái xe ba bánh, tôi vừa nhìn ngắm những người đi mua BHYT. Họ thuộc đủ thành phần, tuổi tác. Chị bán cháo gà mà tôi vẫn ăn gật đầu chào. Ông Tám “xe ôm” đứng ở đầu hẻm thỉnh thoảng chở tôi có vẻ nôn nóng. Ông Tám bảo sắp tới giờ đi đón con đi học về mà sợ để mai mốt lại trễ mua, BHYT đứt đoạn thời gian sẽ phiền lắm.
Cả nhà yên tâm
Sau Tết, mới đầu năm mà cả nhà bà Tư “cơm tấm” kéo nhau bệnh. Cũng may, năm nay bà Tư coi ngày khai trương trễ vào mùng 10. Ông Tư mấy ngày Tết nhậu quá, đau bao tử quằn quại. Con Út Ni Tết đi chơi quá nên cảm cúm, nằm bẹp dí. Còn bà Tư lo đi chùa Bà, chùa Ông ở Bình Dương, chen lấn hít bụi, ngửi khói nhang về cũng ho hen khù khụ. Mùng 6 Tết, “cả nhà kéo nhau đi khai trương bệnh viện quận” - bà Tư nói. Cũng may là cả nhà đều có bảo hiểm, bệnh viện cho nội soi bao tử ông Tư, thử máu con Út coi có bị sốt siêu vi không, X-quang chụp hình phổi bà Tư, rồi mỗi người được phát 5-7 ngày thuốc nhưng tất cả chỉ phải trả hơn 300.000 đồng. Bà Tư thở phào, BHYT trả gần hết, nhà bà chỉ trả 20%. “Mà mua cả nhà lại được bớt nữa chớ” - Bà Tư phấn khởi.
Nhờ thuốc BHYT mà cả nhà bà Tư tạm khỏe kịp ngày khai trương quán cơm tấm. Ông Tư hứa bỏ nhậu để giúp bà dọn dẹp quán xá chứ “bả cũng có tuổi rồi mà một mình loay hoay nấu nướng, xoay xở dọn từ trong nhà ra đầu ngõ từ 5, 6 giờ sáng, thấy tội quá!”. Tôi nghĩ bà Tư chắc nghe ông nói vậy cũng đã mát lòng, hết mệt. Bà phân công: Ông già rồi, dậy sớm phụ khiêng đồ đạc xong được đi uống cà phê tán dóc với mấy ông hưu trí, con Út còn nhỏ ham ăn ham ngủ cho nó ngủ tới 6 giờ dậy ra phụ chạy bàn bưng bê. Bà chưa khỏe hẳn nhưng phải ngậm kẹo ho, không dám ho sợ khách người ta sợ không ăn thì khổ. Nhưng dù sao bà Tư bảo: “Cũng cám ơn BHYT. Không có nó thì khổ cả nhà”.
Trường hợp một bạn thân của tôi có mẹ già hơn 80 tuổi, từ quê lên TP thăm con cháu, bị trượt té trong nhà vệ sinh, gãy xương bánh chè. Bà cụ nhập viện, bác sĩ bảo phải mổ thay khớp háng, bạn tôi vốn đang thất nghiệp, hoảng hốt vì sợ chi phí cao. Nhưng dĩ nhiên giá nào thì cũng phải chạy lo cho mẹ. Anh gọi điện thoại bảo tôi chuẩn bị cho anh mượn tiền vì không biết hỏi ai. Tôi bảo sẽ lo chạy cho bạn 10 triệu đồng trước. Nhưng hơn 10 ngày nằm viện thay khớp háng cùng nhiều thứ thuốc, khi xuất viện bạn tôi chỉ phải đóng chưa tới 5 triệu đồng. Đó là với bảo hiểm ở khác vùng chứ nếu đúng tuyến thì có thể còn ít hơn nữa hay miễn cả 100%. Bạn tôi vốn là người bi quan, hay phê phán xã hội đủ thứ nhưng đã thốt lên: “Hoan hô BHYT! Mình sẽ mua BHYT cho cả nhà mình cho yên tâm”.