Báo quốc tế: Ấn Độ muốn “hướng Đông”, cần bắt tay Việt Nam

Báo quốc tế: Ấn Độ muốn “hướng Đông”, cần bắt tay Việt Nam ảnh 1
Ngày 25/8, Ngoại trưởng mới nhậm chức Sushma Swaraj của Ấn Độ sẽ thăm Việt Nam.

Ngày 5/8, một tàu chiến thuộc loại hiện đại nhất Ấn Độ thăm Hải Phòng. Ngày 25/8, Ngoại trưởng mới nhậm chức Sushma Swaraj của Ấn Độ sẽ thăm Việt Nam trước khi thực hiện chuyến thăm Bắc Kinh. Ngày 1/9, Thủ tướng Modi của Ấn Độ sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo. Ngày 4/9, ông Modi sẽ hội đàm với Thủ tướng Úc Tony Abbott tại New Delhi và cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được dời lại vào giữa tháng Chín…

Những động thái này cho thấy chính quyền mới của Thủ tướng Narendra Modi đang tinh chỉnh lại “Chính sách hướng Đông” mà họ đang thực hiện trong suốt hai thập kỷ qua. Và cũng từ đây cho thấy Ấn Độ đang thay đổi vai trò của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ngoại giao kinh tế của chính quyền Modi

Mới đây, tờ Telegraph India của Ấn Độ đã trích dẫn thông tin từ một số quan chức cấp cao trong chính phủ cho biết, theo lịch trình làm việc, trong khi đang thực hiện chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Sushma Swaraj sẽ có cuộc gặp gỡ với tất cả các đại sứ của các quốc gia Đông Nam Á tại Hà Nội vào ngày 26/8 nhằm phác thảo và lên kế hoạch tạo dựng các cơ hội về kinh tế và chiến lược.
Cũng theo tờ Telegraph India, vào ngày 25/8, Ngoại trưởng Sushma sẽ có cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhằm xác định các khoản đầu tư tiềm năng khi mà Hà Nội muốn Ấn Độ thay vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế Việt Nam. Trong tháng tới Tổng thống Pranab Mukherjee cũng sẽ thực hiện chuyến thăm đến Hà Nội với mục tiêu tương tự, nguồn tin trên cho biết.
"Nhiều quốc gia trong khu vực đã cho biết rằng, họ muốn giảm các khoản đầu tư ở Trung Quốc do những căng thẳng với Bắc Kinh và họ mong Ấn Độ đóng một vai trò thay thế", một quan chức Ấn Độ cho biết, "Chúng tôi hy vọng chuyến thăm Việt Nam lần này cùng với các cuộc họp sẽ giúp chúng tôi kéo được một số khoản đầu tư vào Ấn Độ".
Những căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam trong hai năm qua đã tạo nên làn sóng nhiều quốc gia trong khu vực hướng về phía Ấn Độ và mong muốn Ấn Độ đóng một vai trò là một đối trọng chiến lược trong khu vực trước Bắc Kinh.
Trong thời gian qua Ấn Độ đã liên tục khẳng định rằng họ không có ý định hoặc ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào nhằm chống lại Trung Quốc. Các quan chức Ấn Độ cũng khẳng định rằng các cuộc họp của Ngoại trưởng Sushma tại Hà Nội cũng không nhằm mục đích ngăn chặn Bắc Kinh. Nhưng chung quy lại là Ấn Độ cũng đang tìm kiếm các khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc.
Nhưng việc tập trung tận dụng thời cơ do những căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng để đón nhận những nguồn đầu tư, đó là một sự thay đổi tinh tế, phù hợp với việc chính quyền Modi nhấn hơn về ngoại giao kinh tế.

Thúc đẩy những cam kết nhưng chưa đủ mạnh

Theo bình luận của tờ Eurasiareview, Việt Nam hiện nay đang chịu những áp lực rất lớn về chính trị, quân sự và kinh tế từ Trung Quốc. Do đó chuyến thăm Việt Nam tại thời điểm này của Ngoại trưởng Sushma Swaraj như một sự chia sẻ đối với Việt Nam. Không những thế tại các cuộc họp gần đây của ASEAN tại Myanmar, Ngoại trưởng Ấn Độ đã lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông.
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam của bà Sushma Swaraj trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, chuyến thăm lần này được hy vọng rất nhiều với những kết quả tốt đẹp tại các cuộc đội đàm tại Hà Nội. Ấn Độ đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam khi họ đang đối mặt với những thách thức trên Biển Đông từ Trung Quốc. Như việc giúp Việt Nam nâng cao năng lực quân sự nhằm chống lại hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Báo quốc tế: Ấn Độ muốn “hướng Đông”, cần bắt tay Việt Nam ảnh 2
Các chiến hạm Ấn Độ ghé thăm cảng Tiên Sa - Đà Nẵng, Việt Nam hồi năm 2013.
Thời gian qua đã có nhiều nhà phân tích chiến lược của Ấn Độ đề xuất và ủng hộ việc Ấn Độ cung cấp loại tên lửa diệt hạm BrahMos cũng như các trang thiết bị phụ tùng quân sự khác cho lực lượng không quân và hải quân Việt Nam.
Theo Eurasiareview, “Ấn Độ không nên né tránh những đề xuất sáng kiến như trên, một ví dụ rất hùng hồn là Nga. Nga hiện đã và đang cung cấp cho Việt Nam gần như tất cả những trang thiết bị vũ khí cho quân đội Việt Nam, mặc dù Nga và Trung Quốc vẫn là đối tác chiến lược. Như Nhật Bản hiện nay cũng đã công khai quyết định cung cấp 6 tàu tuần tra để giúp Việt Nam nâng cao năng lực giám sát hàng hải trên Biển Đông. Hay như cả Hoa Kỳ hiện nay cũng bằng nhiều cách kín đáo khác nhau để hỗ trợ cho Việt Nam với mục tiêu tương tự.
Trong bối cảnh chung hiện nay, Ấn Độ không nên trì trệ trong việc gia tăng sự viện trọ cho Việt Nam trong việc xây dựng và nâng cao năng lực quốc phòng nhằm chống lại sự xâm lược trên Biển Đông.
Đã đến lúc Ấn Độ cần phải thêm vào Chính sách hướng Đông những nội dung về quân sự một cách rõ nét và cứng rắn. Ấn Độ cũng phải nhìn nhận rằng cuộc xung đột leo thang ở Biển Đông sẽ gây ra những mối lo ngại và nguy hiểm cho sự ổn định và an ninh của châu Á.
Chính sách hướng Đông của Ấn Độ muốn thực hiện được thành công thì cần phải có những đối tác khu vực mạnh mẽ như Nhật Bản và đặc biệt là Việt Nam. Việt Nam là quốc gia quan trọng ở Đông Nam Á và ở Biển Đông, cả hai đều quan trọng đối với lợi ích chiến lược của Ấn Độ.
Ấn Độ cần phải đưa ra những chính sách chiến lược quyết đoán trên Biển Đông, nếu chính sách đó không liên quan đến Việt Nam, thì ít nhất cũng là gửi một tín hiệu chính trị đến Trung Quốc rằng Ấn Độ có thể chơi cuộc chơi mà Trung Quốc đang chơi ở Nam Á và trong khu vực Ấn Độ Dương.
Đã có đề nghị rằng Thủ tướng Ấn Độ có thể thể hiện sự năng động hơn và sự quyết đoán hơn của Ấn Độ trong Chính sách hướng Đông bằng chuyến thăm Việt Nam trên đường về từ Nhật Bản. Nhưng lịch trình trong tháng Chín dường như không có nhiều không gian cho một chuyến thăm Việt Nam, nhưng vẫn hy vọng chuyến thăm này sẽ sớm được thực hiện. Đó là trong lợi ích an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Theo Hồ Trung Nghĩa/Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm