Ngày 27-6, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc tuyên bố quân đội Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng đưa tàu hải quân Philippines ra khỏi Bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal), được cố ý cho mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây vào năm 1999 để làm tiền đồn tại đây, tờ South China Moring Post dẫn lại. Tờ Nhân dân Nhật báo bình luận mặc dù dư sức hiện thực hóa điều này, phía Bắc Kinh thể hiện sự kiềm chế.
Tờ
Nhân dân Nhật báo đã tự nhận
Trung Quốc là phía chủ trương hòa bình: "Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng kéo tàu Philippines ra khỏi khu vực mà họ đang cố bám víu. Nhưng vì sự ổn định của biển Đông, Trung Quốc đã thể hiện thiện chí, kiên nhẫn và luôn tìm cách kiềm chế tối đa". Tuy nhiên, tờ báo không quên lớn tiếng khẳng định Trung Quốc có đủ "quyết tâm và năng lực" nhằm "bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc".
Philippines cho tàu đổ bộ mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây làm tiền đồn từ năm 1999. Ảnh: SCMP
Bài bình luận của Nhân dân Nhật báo xuất hiện trong thời gian Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines liên quan đến biển Đông và cái gọi là "đường chín đoạn" của Trung Quốc. Yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc đã đơn phương ngang ngược khẳng định chủ quyền nước này trên phần lớn diện tích biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tờ báo Trung Quốc cũng tái khẳng định lập trường ngang ngược của Bắc Kinh. Theo đó, nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào được đưa ra bởi PCA. Trung Quốc đến nay vẫ từ chối không tham gia điều trần. Tờ báo cũng cáo buộc Philippines đưa vấn đề ra tòa trọng tài quốc tế mà không tham vấn Trung Quốc, khẳng định động thái này là "trò chơi vô nghĩa" và Philippines đang "tự bắn vào chân mình".
Hải quân Philippines vào năm 1999 đã cho mắc cạn một tàu đổ bộ cũ của Mỹ tại Bãi Cỏ Mây. Chính quyền Manila cho một nhóm nhỏ quân nhân đóng trên con tàu này nhằm duy trì sự chiếm đóng trên bãi cạn.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hai năm trước đã bắt đầu chặn đường các tàu hậu cận của Philippines, không cho mang tiếp tế ra Bãi Cỏ Mây bằng đường thủy. Philippines buộc phải dùng cầu
hàng không, thả hàng tiếp tế cho con tàu vốn hiện đã trong tình trạng xuống cấp.