Tuần qua, cách xử lý quanh tiếng còi của trọng tài Hà Anh Chiến khiến giới chuyên môn và người hâm mộ bất an về công tác điều hành giải vô địch quốc gia. Đó là sau một quyết định sai cùng sự phản ứng của dư luận và đội bóng, lập tức những nhà điều hành phá vỡ hết mọi nguyên tắc và quy định để xoa dịu dư luận.
Cái sai trước hết là từ phía Ban Trọng tài đẩy đồng đội và cấp dưới của mình (tổ trọng tài Hà Anh Chiến) vào “điểm chết” và quy cho hành vi của trọng tài Chiến như là tội phạm.
Trước sức ép của đội bóng và dư luận, Ban Trọng tài mà đứng đầu là ông Nguyễn Văn Mùi đã có những phát biểu vượt quá trách nhiệm của người đứng đầu ban này. Thậm chí là những bước thực hiện trong việc thu thập tài liệu và xác định động cơ quyết định sai tình huống đấy của trọng tài Chiến cũng không được phép công bố trước công luận như thế. Chính một cựu chủ tịch Hội đồng Trọng tài kỳ cựu đã chia sẻ rằng rất ngạc nhiên khi Ban Trọng tài đi ngược lại với mọi quy định gắt gao trong xử lý sai phạm của trọng tài dù ông biết chắc rằng ai cũng hiểu luật, hiểu nội quy lẫn quy định của FIFA.
Lời thề của các trọng tài cần được tương tác và hỗ trợ từ lời thề của những nhà quản lý, những người trực tiếp điều hành họ. Ảnh: XUÂN HUY
Từ cái sai đấy, năm thành viên trong Ban Trọng tài làm cái việc bỏ phiếu treo còi vĩnh viễn trọng tài Chiến (4/5 đồng tình trừ ủy viên Nguyễn Tấn Hiền) rồi vội vàng công bố với công luận là một cái sai hết sức nghiêm trọng.
Những người sống lâu trong công tác điều hành bóng đá Việt Nam và hiểu về công việc của Ban Trọng tài khẳng định rằng Ban Trọng tài cũng chỉ là một quân cờ trong bàn cờ và bị chỉ đạo phải làm những điều sai nguyên tắc đấy từ Thường trực VFF để xoa dịu dư luận. Cũng cần biết là Thường trực VFF lẽ ra phải ngồi lại và trực tiếp giải quyết thì cả năm vị trong thường trực đều “chạy”. Một ông “chủ” mang tâm bệnh thì ủy quyền cho cấp phó. Bốn ông còn lại, một lo cứu tập đoàn của mình đang khó khăn về tài chính không có thời gian ngó ngàng đến banh bóng; ba ông còn lại thì rủ nhau sang Mexico dự hội nghị. Thế nên cái Ban Trọng tài phải đứng ra giải quyết qua việc nhận chỉ đạo từ tin nhắn và điện thoại đường dài với mục đích xoa dịu dư luận.
Và cách xoa qua việc dồn hết tội, tập trung vào một trọng tài Hà Anh Chiến rồi loại trọng tài này ra khỏi đời sống bóng đá là cách làm tệ hại nhất. Trên thế giới, một trọng tài có thể bị tống giam nếu công việc điều hành bóng đá liên quan đến vi phạm luật hình sự. Riêng FIFA, có thể loại khỏi đời sống bóng đá một trọng tài làm “rầu nồi canh” nhưng không bao giờ FIFA công bố quyết định đấy với công luận và đấy cũng là quy định.
Ở đây VPF “hét” lên với dư luận như thể mình không liên quan và làm rất nghiêm, còn Ban Trọng tài thì sốt sắng làm cả phần việc không được phép làm nhưng đã có ai tuýt còi?
Sự bất an của bóng đá Việt Nam là cái cách xử lý thường chọn hướng chiều theo dư luận chứ không làm đúng, làm đủ với trách nhiệm và chính kiến của mình. Hãy trở lại với những ông vua từng bị treo còi vĩnh viễn hay từng vì tự trọng mà vĩnh viễn bỏ nghiệp cầm còi như Nguyễn Xuân Hòa - người từng bị chỉ đạo “bẻ còi” trên sân Chi Lăng mùa 2008. Ông Hòa chia sẻ rất đau lòng là nhiều lúc muốn làm đúng, muốn làm tử tế nhưng cứ bị chỉ đạo thế này, thế nọ. Thậm chí là còn phải biết làm vừa lòng cấp trên, phải đọc được những mối quan hệ của “sếp” với các đội bóng.
Sự bất an của bóng đá Việt Nam gần đây chính là những mối quan hệ của các lãnh đạo VFF với ông chủ của một số đội bóng. Điều mà giới bóng đá gần như ai cũng biết thì không thể nào các trọng tài không biết. Với trận đấu sai phạm trên cũng thế. Và những người làm công tác khắc phục, xử lý đã bỏ qua chi tiết nhiều đội ngại thi đấu với FLC Thanh Hóa, đồng thời cũng lên tiếng về công tác trọng tài liên quan đến những trận có đội này.
Sự bất an của bóng đá Việt Nam là VPF được lập ra để hoàn thiện công tác tổ chức bóng đá chuyên nghiệp khác với thời bao cấp mà VFF “ôm hết” thì nay VPF lại bị phân hóa bởi chính người của VFF cài vào.
Vì thế việc xử một trọng tài đang được thực hiện theo kiểu phủi tay để xoa dịu dư luận chứ không đi đúng với bản chất của việc khắc phục tồn đọng và nâng chất cho một giải đấu.
Với cái cách “đánh bùn sang ao” đấy càng làm đội ngũ trọng tài thêm thui chột bởi chính họ cũng bất an và mất niềm tin vào đội ngũ điều hành.
Tổng cục TDTT có công văn gửi VFF đề nghị chấn chỉnh giải đấu V-League nhưng đã bao giờ Tổng cục TDTT làm đúng với trách nhiệm của một cơ quan quản lý nhà nước hay chưa? Nói như tân Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thì riêng lĩnh vực bóng đá, có vẻ như Tổng cục TDTT xem đấy như là lĩnh vực riêng nên không quản lý chặt chẽ như các môn thể thao mà Tổng cục có trách nhiệm quản lý. Rõ nhất là giải chuyên nghiệp đang bấn loạn vì các sai phạm mà cả thường trực đều không có mặt trong khi người của Tổng cục cài vào bộ máy VFF thì ôm quá nhiều chức vụ, trong đó có cả Ban Bóng đá chuyên nghiệp và phụ trách Ban Trọng tài nhưng cứ lo việc “ngoại giao” chứ có nhúng tay vào điều hành đâu. Chưa kể là chính người của Tổng cục đưa vào cũng đang bị lãnh đạo các đội bóng chỉ ra rằng có những mối quan hệ mật thiết với ông chủ của các đội bóng đang cố vô địch bằng mọi giá… |