Bắt bệnh xe máy 'lười' khởi động vào mùa đông

Thời tiết ở các tỉnh khu vực phía Bắc, đặc biệt là vùng núi đang chìm trong đợt rét đậm, rét hại lớn nhất năm khiến cho đời sống sinh hoạt của người dân gặp khó khăn. Trong đó, thời tiết lạnh cũng là nguyên nhân gây ra một số căn bệnh của các phương tiện xe máy và hoạt động của xe không còn chính xác như những ngày mùa hè.

Dấu hiệu bệnh “lười” khởi động

Theo một kỹ sư xe máy chia sẻ, những biểu hiện thông thường của xe máy vào thời tiết lạnh như xe khó khởi động vào buổi sáng, hay giật cục khi mới khởi hành hoặc tay phanh bị cứng. Theo đó, đây là những dấu hiệu bình thường xe dễ dàng thay đổi sự “lười” của xe.

Thời tiết lạnh dễ khiến cho xe bị bó cứng phanh.

Cụ thể, xe khó khởi động vào buổi sáng là một trong những tình huống thường gặp nhất, đặc biệt là xe máy số. Chỉ cần thời tiết lạnh, xe để qua đêm, không sử dụng từ 6 - 8 tiếng, sẽ khó khởi động và có tiếng nổ không đều.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do khi trời lạnh nhiên liệu trong xe sẽ bám trong thành xi lanh và bị ngưng tụ trên các thành vách. Có trường hợp, khi trời lạnh hoặc độ ẩm cao, lượng không khí trong động cơ xe bị ngưng tụ thành những giọt nước nhỏ trong chế hòa khí và ống dẫn nhiên liệu. Hiện tượng này còn có thể làm tắc một số bộ phận dẫn nhiên liệu hoặc tác động đến bộ phận đánh lửa và nhanh tạo ra muội than tại bugi.

Với những chiếc xe máy số, hiện tượng "giật cục" khi mới vận hành trong thời tiết lạnh cũng phổ biến. Khi đó, nhiệt độ thấp làm giảm khả năng bôi trơn của dầu nhớt, tuy nhiên nhiệt độ buồng đốt chưa đạt được độ nóng cần thiết để giúp động cơ vận hành trơn tru.

Thời tiết lạnh, không khí hanh khô cũng khiến cho dầu tay ga, tay phanh bị khô nên việc sử dụng gặp khó khăn, mất an toàn khi vận hành.

Phương pháp đặc trị

Để khắc phục các hiện tượng này, khi chuẩn bị khởi động xe, người lái xe cần làm ấm động cơ bằng cách dùng đạp cần khởi động thay vì đề ga đối với xe số. Đối với xe tay ga, chủ xe có thể đóng le gió để nhiên liệu cung cấp cho buồng đốt được nhiều hơn và động cơ dễ nổ hơn. Sau khi động cơ đã hoạt động đều thì mở le gió trở lại hiện trạng ban đầu.

Khi xe đã khởi động thành công nhưng lại có biểu hiện giật cục khi chạy, chủ xe nên vận hành xe ở chế độ garanti (nổ máy không tải) vào mỗi sáng sớm khoảng vài phút. Khi vặn tay ga thấy máy nổ mượt và đều, tức là động cơ và dầu đã đạt được nhiệt độ cần thiết.

Không nên vặn ga hết cỡ khi xe vừa mới nổ máy vì có thể gây ra hiện tượng xe bị sặc, chết máy, lâu ngày khiến xe nhanh bị hỏng. Đối với xe tay ga, khi mới khởi động, chủ xe cần giữ ga đều đều rồi mới dần dần tăng ga. Còn với xe máy số, thì nên chạy xe từ số 1, tăng dần lên số 2 và chạy ít nhất 1 km đầu tiên ở số 3, rồi mới tăng lên số 4.

Ngoài ra, để khắc phục hiện tượng tay phanh bị cứng, chủ xe nên nới ốc giữ chốt phanh cho loại phanh tang trống (phanh đùm), còn phanh dầu có thể mang xe ra cửa hàng sửa chữa hoặc đại lý để nhờ trợ giúp.

Khi mới di chuyển xe, chủ xe không nên bóp lực phanh mạnh sẽ dễ xảy ra tình trạng phanh gấp, mất an toàn. Đặc biệt, mỗi khi thấy dây phanh, dây ga bị nặng hoặc kẹt, chủ xe cũng nên đưa xe đi kiểm tra để nhân viên kỹ thuật xúc rửa và tra dầu mỡ giúp dây phanh, dây ga hoạt động hiệu quả nhất và an toàn nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới