Ngày 14-12 tại TP.HCM diễn ra hội nghị bất động sản Việt Nam (VRES 2023) với chủ đề “Định hình tương lai” nhằm bàn về xu hướng thị trường, những tác động từ sự thay đổi luật, chính sách và tín dụng ngành bất động sản.
Niềm tin nhà đầu tư địa ốc vẫn lung lay
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho biết thị trường bất động sản Việt Nam hiện vẫn đối mặt nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế 2023 chưa đạt mục tiêu, dự báo GDP năm 2023 chỉ đạt khoảng 5%, trong khi mục tiêu tăng trưởng đặt ra đầu năm 2023 là 6,5%.
Mới đây, khi đánh giá về tác động của cơ chế, chính sách đến triển vọng ngành kinh tế Việt Nam, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng: Những cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường bất động sản đã bắt đầu có những dấu hiệu thẩm thấu. Bởi lượng giao dịch trên toàn thị trường có xu hướng tăng dần theo thời gian. Tổng giao dịch quý 1, 2, 3 lần lượt là 2.700, 3.700 và 6.000.
Ở góc nhìn khác, ông Quốc Anh cho biết thêm: "Tiền gửi của dân vào ngân hàng vẫn đang tăng mạnh. Nếu trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư chỉ đạt 2,92% thì 9 tháng đầu năm nay, con số này là 9,95%. Điều này cho thấy người tiêu dùng vẫn chọn gửi tiết kiệm để bảo toàn tài sản thay vì đầu tư vào thị trường bất động sản”.
Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nêu quan điểm: “Thị trường bất động sản sẽ có được cải thiện khi các biện pháp điều hành kinh tế chung của Chính phủ thực sự phát huy tác dụng. Tuy nhiên sẽ rất khó đạt mức “đột biến”.
Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư chính là chốt chặn cuối cùng cần được giải tỏa để đưa thị trường bất động sản thực sự trở về “trạng thái bình thường.
Dự án hoàn thiện pháp lý sẽ cháy hàng?
Thị trường BĐS quý 4-2023 sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024. Bức tranh toàn cảnh thị trường chắc chắn sẽ có thêm nhiều điểm sáng mới. Đặc biệt là những khu vực đang còn nhiều dư địa phát triển, có quy hoạch đồng bộ, hiện đại, hạ tầng được quan tâm, chú trọng đầu tư, mặt bằng giá chưa cao.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng: Để đón đầu xu hướng bất động sản trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh câu chuyện cơ cấu lại, bao gồm cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm, thị trường, danh mục đầu tư và dự án. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bán bất động sản ở mức chiết khấu thấp hơn để bảo đảm dòng tiền.
Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, bối cảnh hiện tại người mua sẽ đòi hỏi khắt khe hơn về tính pháp lý của các dự án bất động sản. Do vậy, những dự án có pháp lý hoàn thiện, tài chính minh bạch bền vững chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của cả người mua để đầu tư cũng như mua để ở.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, cho rằng, năm 2024 sẽ là năm mà thị trường bất động sản đón nhận cả cơ hội và thách thức đan với nhau. Bởi hoạt việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi tổng lượng trái phiếu đến hạn năm 2024 vẫn lớn, lên đến gần 400.000 tỉ đồng. Cho nên, chỉ khi chủ đầu tư chấp nhận giảm giá, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất và cơ quan quản lý tích cực tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý thì khi đó thị trường sẽ có điểm mở.
Một số chuyên gia cho biết thêm: Với hai dự án luật liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới, sẽ tạo ra những tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Hai luật mới này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.