Dự án khu đô thị sinh thái cao cấp Vịnh An Hòa (gọi tắt là KĐT Vịnh An Hòa) do Công ty cổ phần Đầu tư Chu Lai Hội An (công ty con của Tập đoàn FVG) làm chủ đầu tư (CĐT).
Dân phản ứng vì lấp vịnh làm khu đô thị
Theo tìm hiểu, KĐT Vịnh An Hòa (gồm hai KĐT Vịnh An Hòa 1 và 2) tọa lạc tại xã Tam Hiệp và thị trấn Núi Thành (Quảng Nam), phía đông bắc giáp với đường 129 (đang thi công) chạy dọc giữa sông Bến Ván, quy mô 99,6 ha.
Phối cảnh dự án KĐT Vịnh An Hòa. Ảnh: Thanh Nhật
Khi thành hình, đây sẽ là KĐT sinh thái cao cấp, ưu tiên phát triển dịch vụ và nhà ở cao cấp. Bên cạnh đó, KĐT sẽ được đầu tư xây dựng các trường học, công viên cây xanh… phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí đồng bộ với các khu lân cận.
Ban đầu, dự án đường 129 do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm CĐT, sau đó chuyển cho BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam.
Căn cứ bản đồ quy hoạch, đường 129 sẽ lấp mặt nước giữa sông Bến Ván theo chiều dọc. Từ đó tạo một vùng nước chết ở bờ sông phía tây. Vùng nước chết này có một phần diện tích sẽ được san lấp để thi công dự án KĐT Vịnh An Hòa.
Sơ đồ vị trí đường 129 và dự án KĐT Vịnh An Hòa (màu vàng, đang trong quá trình san lấp). Ảnh: Chulailand
Tuy nhiên, hiện nay người dân xã Tam Hiệp và thị trấn Núi Thành đang phản đối kịch liệt việc thi công hai dự án nói trên. Người dân cho rằng hai dự án này đã san lấp, lấy đi một phần diện tích mặt nước, thu hẹp ngư trường đánh bắt, làm ăn của bà con.
Hơn nữa, một phần diện tích mặt nước chưa bị san lấp đang là điểm duy nhất đảm bảo an toàn cho ghe thuyền cho ngư dân khi mùa mưa bão về. Nếu việc san lấp hoàn tất, ngư dân sẽ không còn chỗ để trú tránh bão.
Đỉnh điểm là ngày 15-5 vừa qua, người dân đã tập trung căng băng rôn, ngăn cản việc thi công.
Ông Trương Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết: "Hai dự án công trình đường 129 và KĐT Vịnh An Hòa nằm trong quy hoạch đô thị Khu kinh tế mở Chu Lai. Hai dự án này ảnh hưởng tới 57 hộ dân xã Tam Hiệp và thị trấn Núi Thành. Nhiều hộ dân tại đây vẫn đang phản đối việc thi công này".
Người dân phản đối việc thi công. Ảnh: Thanh Nhật
Doanh nghiệp hưởng lợi "ké" từ dự án nhà nước?
Theo tìm hiểu của PLO, Công ty TNHH MTV Bất động sản Chu Lai Land là đơn vị phân phối độc quyền dự án này. Trong tổng diện tích của KĐT thì diện tích KĐT Vịnh An Hòa 1 là 45,68 ha và KĐT Vịnh An Hòa 2 là 53,95 ha.
Trước đó, ngày 24-3-2017, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ký quyết định cho chủ trương đầu tư đối với dự án KĐT Vịnh An Hòa 2. Quyết định được ký sau khi Công ty CP Đầu tư Chu Lai Hội An (CĐT dự án) có tờ trình nửa tháng.
Một phần diện tích "vùng nước chết" phía tây đường 129. Ảnh: TN
Ngày 7-4-2017, công ty này tiếp tục có tờ trình đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án KĐT Vịnh An Hòa 1. Đến ngày 26-5 thì UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng.
Đáng chú ý, cũng trong năm 2017, BQL Khu kinh tế mở Chu Lai đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường 129.
Sau điều chỉnh, tuyến đường 129 đoạn qua KĐT Vịnh An Hòa được thi công song song với quy hoạch cũ về hướng đông. Việc thi công này ngăn sông Bến Ván thành hai phần theo trục dọc, tạo thành vùng nước chết phía tây đường 129. Một phần diện tích mặt nước chết này đang được san lấp làm KĐT Vịnh An Hòa.
Trước sự “trùng hợp” trên, dư luận đặt câu hỏi về việc một dự án tư nhân đang hưởng lợi "ké" từ dự án do Nhà nước đầu tư.
Lý giải vấn đề trên, ông Trần Thanh Tuấn, Trưởng phòng Quản Lý quy hoạch và Xây dựng, BQL Khu kinh tế mở Chu Lai, cho biết việc đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường 129 là để phù hợp với quy hoạch tuyến đường sắt đô thị sân bay Chu Lai - Hội An kết nối với TP Đà Nẵng.
Sau khi hoành thành thi công đường 129, phần diện tích phía tây đường sẽ trở thành "vùng nước chết". Ảnh: TN
“Tuyến đường sắt đô thị sẽ chạy song song với tuyến đường 129 bây giờ về phía đông. Nếu không điều chỉnh hướng tuyến, khu vực này (đoạn qua KĐT Vịnh An Hòa - PV) sẽ tạo một đường cong không đảm bảo thiết kế tàu chạy” - ông Tuấn nói.
Theo ông Trương Văn Trung (Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành), đến nay đã có 26 hộ đồng ý nhận tiền hỗ trợ với mức 2 triệu đồng/hộ của Nhà nước cùng với mức 5 triệu đồng/hộ. “Những hộ còn lại thì đang yêu cầu hỗ trợ với mức 50-70 triệu đồng. Điều này nằm ngoài thẩm quyền của huyện” - ông Trung nói. |