Nước Pháp trước 3 kịch bản chính trường

(PLO)- Chính trường Pháp đứng trước 3 kịch bản, được quyết định sau vòng bỏ phiếu thứ hai cuộc bầu cử quốc hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-7, cử tri Pháp trên toàn quốc đi bỏ phiếu vòng hai cuộc bầu cử quốc hội có ý nghĩa to lớn không chỉ với nước Pháp mà còn với chính trường châu Âu.

Trong vòng đầu tiên hôm 30-6, đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu đã dẫn đầu với khoảng 33% số phiếu bầu, kế đến là liên minh Mặt trận Bình dân mới (NFP) thuộc cánh tả với 28%, Liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron đứng thứ ba chỉ với 20%.

Sau vòng bầu cử thứ nhất, 76/577 ghế của quốc hội đã được xác định, trong đó gần một nửa số ghế thuộc về đảng RN. Số phận của 501 ghế còn lại trong vòng bầu cử thứ hai sẽ quyết định đảng nào sẽ đứng ra thành lập chính phủ mới ở Pháp.

Cục diện vòng bầu cử mới

Sau vòng bỏ phiếu thứ nhất với lợi thế nghiêng về phe cực hữu, liên minh trung dung của ông Macron và liên minh cánh tả đã tập hợp lại với nhau nhằm ngăn phe cực hữu giành được thế đa số tuyệt đối tại quốc hội. Chiến thuật của hai bên là rút ứng viên của đảng mình để ủng hộ bên còn lại nhằm ngăn tình trạng chia rẽ phiếu bầu.

Bầu cử quốc hội Pháp: Ngày quyết định cục diện chính trường Pháp
Người dân Pháp xếp hàng bỏ phiếu vòng hai cuộc bầu cử quốc hội Pháp ngày 7-7. Ảnh: AFP

Trong vòng chưa đầy 48 giờ sau khi có kết quả vòng 1, đã có 224 ứng cử viên, trong đó chủ yếu là của NFP và liên minh trung dung của ông Macron, tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua vòng hai, theo báo Le Monde.

Sau vòng đầu tiên, Bộ Nội vụ Pháp cho hay có tới 306 khu vực bầu cử có ba ứng cử viên cạnh tranh nhau, 5 khu vực bầu cử có bốn ứng của viên cùng đua với nhau và 109 cuộc đua giữa hai ứng viên. Nhưng đến ngày 3-7, con số này lần lượt là 89, 2 và 409. Trong 409 cuộc đấu tay đôi, đảng RN sẽ đọ sức với liên minh NFP trong 149 khu vực bầu cử và đấu với liên minh trung dung của ông Macron ở 134 cuộc bầu cử.

Theo kết quả thăm dò trước thềm cuộc bỏ phiếu vòng 2 do công ty Ipsos thực hiện trên 10.000 cử tri Pháp, đảng RN được dự đoán sẽ giành được từ 170 - 205 ghế trong quốc hội mới, chưa đủ 289 ghế để chiếm đa số tuyệt đối. Trong khi đó, liên minh NFP được cho là sẽ giành được từ 145 - 175 ghế và liên minh trung dung của ông Macron sẽ nắm giữ từ 118-148 ghế (sụt giảm đáng kể so với con số gần 250 ghế mà liên minh này đang nắm giữ tại quốc hội sắp mãn nhiệm).

Kết quả thăm dò trên cho thấy chiến lược của liên minh trung dung của Tổng thống Macron và liên minh cánh tả đang tỏ ra hiệu quả trong nỗ lực ngăn phe cực hữu đạt được đa số tuyệt đối tại quốc hội.

Từ các kết quả thăm dò cho thấy đảng cực hữu không thể chiếm đa số, cũng như thông tin về sự bắt tay giữa liên minh trung dung của ông Macron và liên minh cánh tả, lãnh đạo đảng RN - bà Marine Le Pen cáo buộc các đối thủ khinh thường cử tri của đảng RN và kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu để chứng minh các kết quả thăm dò là sai.

“Dường như mọi việc được sắp xếp để làm giảm động lực của cử tri. Tôi biết cử tri của tôi rất có động lực, vì vậy tôi kêu gọi cử tri hãy đi bỏ phiếu. Chúng tôi cần mọi người” - bà Le Pen nói với đài truyền hình CNews (Pháp).

Khoảng 30.000 cảnh sát được triển khai trên khắp nước Pháp trong vòng bỏ phiếu thứ hai cuộc bầu cử quốc hội Pháp, trong đó khoảng 5.000 cảnh sát được triển khai ở thủ đô Paris để “cực tả và cực hữu không gây ra tình trạng hỗn loạn”, theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Darmanin.

Kịch bản khả dĩ nhất?

Dựa trên kết quả thăm dò, giới quan sát cho rằng kịch bản khả dĩ nhất với chính trường Pháp sắp tới chính là liên minh trung dung của ông Macron và liên minh cánh tả hợp tác với nhau lập nên chính phủ, trong đó thủ tướng đến từ liên minh cánh tả.

Tuy nhiên, một liên minh chính phủ như vậy sẽ bao gồm bảy đảng với các quan điểm khác nhau từ trung hữu đến cực tả. Khả năng cao một liên minh như vậy sẽ không nhất trí được bất cứ vấn đề nào của đất nước ngoại trừ việc giữ cho đảng RN không cầm quyền và điều này sẽ gây ra những hỗn loạn nhất định trong quốc hội Pháp, theo tạp chí National Review.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã bác bỏ những đề xuất rằng liên minh trung dung cầm quyền có thể tìm cách thành lập một chính phủ đa đảng trong trường hợp quốc hội treo (không đảng nào đạt được đa số tuyệt đối).

bau-cu-quoc-hoi-phap-1.jpg
Một người đi ngang qua các áp phích về bầu cử quốc hội Pháp. Ảnh: AFP

Kịch bản thứ hai là trường hợp phe cực hữu giành được đa số ghế và thành lập chính phủ thì quốc hội Pháp sẽ đối mặt với tình trạng “cùng chung sống”, trong đó tổng thống và thủ tướng từ hai đảng đối lập nhau chia sẻ quyền lực với nhau. Chủ tịch đảng RN Jordan Bardella cũng nhiều lần tuyên bố rằng đảng này chỉ đứng ra thành lập chính phủ chỉ khi giành thế đa số tuyệt đối tại quốc hội Pháp.

Hiến pháp của Pháp có sự phân công nhiệm vụ giữa tổng thống và thủ tướng. Theo đó, tổng thống sẽ đảm nhiệm các vấn đề đối ngoại, trong khi thủ tướng sẽ quản lý các vấn đề đối nội và quốc phòng. Việc “chung sống” có thể gây ra khó khăn trong việc thực thi luật và thông qua ngân sách vì cả hai có thể cản trở quyết định của nhau.

Một kịch bản khác là không có đảng nào giành được thế đa số tuyệt đối tại quốc hội nên không thể thành lập chính phủ. Trong trường hợp này, quốc hội sẽ bị chia làm ba khối với các chương trình nghị sự xung đột và tình trạng này phải kéo dài ít nhất một năm vì hiến pháp Pháp quy định quốc hội chỉ có thể bị giải tán một lần mỗi năm.

Một kịch bản như vậy sẽ dẫn tới tình trạng trì trệ về mặt thể chế. Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn tin vào khả năng xảy ra kịch bản này vì “văn hóa chính trị Pháp thường không có sự thỏa hiệp”. “Đây sẽ là lần đầu tiên trong nền Cộng hòa thứ Năm ở Pháp, một chính phủ không thể được thành lập vì không đạt được đa số” - tờ The New York Times dẫn nhận định của ông Samy Benzina, GS luật tại ĐH Poitiers (Pháp).

Bà Le Pen chỉ trích cầu thủ Mbappé

Ngày 5-7, trả lời phỏng vấn với đài CNN, bà Marine Le Pen đã chỉ trích cầu thủ Kylian Mbappé, cho rằng siêu sao bóng đá này quá giàu để có thể đại diện cho người nhập cư phản đối đảng của bà.

Bình luận của bà Le Pen được đưa ra trong bối cảnh cầu thủ Mbappé nhiều lần kêu gọi cử tri Pháp ngăn chặn những “kẻ cực đoan” nắm quyền, ám chỉ đảng RN.

“Người dân Pháp đã chán ngán việc bị thuyết giảng và khuyên răn nên bỏ phiếu cho ai. Cầu thủ Mbappé không đại diện cho người Pháp có xuất thân là người nhập cư, bởi vì rất nhiều người có gốc nhập cư đang sống với mức lương tối thiểu, không đủ khả năng chi trả nhà ở và sưởi ấm. Họ không giống như Mbappé” - bà Le Pen nói.

Bà Le Pen lưu ý rằng xu hướng những người nổi tiếng như diễn viên, cầu thủ,... “hướng dẫn” người dân bỏ phiếu là không phù hợp.

“Đây là những người đủ may mắn để sống thoải mái, thậm chí là rất thoải mái, họ không đối mặt tình trạng bất an, nghèo đói, thất nghiệp cũng như những vấn đề khác mà người dân phải chịu đựng. Vào thời điểm người dân chuẩn bị bỏ phiếu, họ nên thể hiện một chút kiềm chế” - bà Le Pen nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm