Ba tuần trước, Pháp được coi là tiếng nói mạnh mẽ cho liên minh xuyên Đại Tây Dương và phòng thủ châu Âu. Điều này được thể hiện qua lễ kỷ niệm 80 năm D-Day - ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy của Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên giờ đây Paris đang đối mặt một cuộc bầu cử quan trọng và có tác động to lớn tới nước này cũng như thế giới vì khả năng đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia giành được chức thủ tướng Pháp và lãnh đạo quốc hội trong vòng chưa đầy hai tuần nữa, theo tạp chí Foreign Policy.
Pháp bước vào cuộc bầu cử sống còn
Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, nhiều người suy đoán rằng liên minh trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên kết quả bầu cử cho thấy đảng Tập hợp Quốc gia giành 31,5% phiếu bầu, cao hơn gấp đôi so với đảng của ông Macron (15,2% phiếu bầu). Kết quả này càng củng cố thêm vị thế của đảng Tập hợp Quốc gia với tư cách là đảng đối lập chính ở Pháp, làm lu mờ cánh tả và cánh hữu chính thống.
Nhưng điều ngạc nhiên thực sự đến từ việc tổng thống Pháp tuyên bố giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, được tổ chức vòng một vào ngày 30-6 và vòng hai vào ngày 7-7. Động thái này không đe dọa vị trí tổng thống của Macron nhưng với chính phủ của ông thì lại là câu chuyện khác.
Trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp sắp tới, cử tri Pháp sẽ phải bầu ra 577 nhà lập pháp và kết quả này sẽ quyết định đảng nào giữ chức thủ tướng cũng như định hình phương hướng chính phủ tiếp theo của Pháp.
Hiện vẫn chưa rõ tính toán của ông Macron khi kêu gọi bầu cử quốc hội Pháp sớm. Theo Foreign Policy, Tổng thống Macron có thể đã cân nhắc rằng cách tốt nhất để ngăn cản sự trỗi dậy của phe cực hữu là đưa phe này vào bài kiểm tra của cuộc bầu cử, điều thường dẫn đến việc phe cực hữu mất đi sự nổi tiếng nhanh chóng trước thời điểm thực sự mang tính quyết định đối với nền chính trị Pháp: bầu cử tổng thống năm 2027.
Do đó, trong vài tuần tới, Tổng thống Macron có thể sẽ bị chi phối bởi chính trị trong nước, làm suy yếu tiếng nói của Pháp trong nhiều hội nghị thượng đỉnh quốc tế sắp tới. Điều này sẽ khiến ông Macron gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các sáng kiến của ông như chiến lược phòng thủ châu Âu tại Hội đồng châu Âu, vai trò của trụ cột châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại hội nghị thượng đỉnh của khối tại Mỹ, hoặc "cấu trúc an ninh mới” cho châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu ở Anh.
Các đối tác và đồng minh của Pháp sẽ nhận thức rõ rằng khả năng hành động về mặt lập pháp và ngân sách của ông Macron sẽ giảm đi nhiều nếu ông phải chia sẻ quyền lực với một thủ tướng của đảng đối thủ.
Phần lớn tương lai của chính sách đối ngoại của Pháp sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử quốc hội Pháp vòng hai vào ngày 7-7 tới. Có hai kịch bản có thể xảy ra: bế tắc hoặc chung sống.
Hai kịch bản bầu cử quốc hội Pháp
Kịch bản 1 là quốc hội Pháp bị treo. Quốc hội treo là cụm từ chỉ tình trạng không có đảng nào giành được thế đa số tuyệt đối tại quốc hội. Ở Pháp, cần ít nhất 289 ghế để giành được quyền kiểm soát tuyệt đối tại quốc hội.
Kịch bản quốc hội Pháp bị treo sẽ dẫn tới sự chia rẽ giữa ba khối chính hiện tại của chính trường Pháp: (1) đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia; (2) liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới; và (3) liên minh trung dung của ông Macron.
Một kịch bản như vậy sẽ dẫn tới tình trạng trì trệ về mặt thể chế. Nếu không thể tập hợp đủ những người theo đường lối trung dung vào một liên minh, ông Macron có thể sẽ phải thành lập một chính phủ kỹ trị, với chương trình nghị sự chính sách bị cắt giảm, trong khi vẫn giữ quyền kiểm soát các vấn đề chính sách đối ngoại.
Kịch bản 2 của bầu cử quốc hội Pháp là “cùng chung sống", chỉ một tình thế chia sẻ quyền lực giữa tổng thống và thủ tướng của hai đảng khác nhau. Ở kịch bản này, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia và đồng minh giành thế đa số tuyệt đối hoặc gần bằng. Trong trường hợp này, ông Macron sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bổ nhiệm một thủ tướng từ đa số mới. Thành phần chính phủ sau đó sẽ được thủ tướng chính thức đề xuất để tổng thống phê duyệt, dẫn đến các cuộc đàm phán giữa hai bên.
Nếu kịch bản này diễn ra thì đây sẽ đánh dấu tình trạng “cùng chung sống” lần thứ tư của nền Cộng hòa thứ năm của Pháp.
Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ năm quy định tổng thống là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, người bảo đảm nền độc lập dân tộc và là người “đàm phán và phê chuẩn các hiệp ước”.
Hiến pháp cũng trao cho thủ tướng những trách nhiệm quan trọng, đặc biệt là về quốc phòng, “thực hiện chính sách của quốc gia” và có "quyền sử dụng bộ máy công vụ và lực lượng vũ trang".
Tuy nhiên, trên thực tế, các tổng thống Pháp đã cố gắng xây dựng điều mà ngày nay gọi là “duy trì quyền kiểm soát” (domaine réservé) về chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng và tình báo.
Tác động ra sao tới chính sách đối ngoại Pháp?
Đối với kịch bản 2, chương trình nghị sự của ông Macron - vị tổng thống theo định hướng thị trường tự do và kiên quyết ủng hộ châu Âu - sẽ vấp phải sự phản đối trực tiếp với một thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc, bảo thủ, hoài nghi về châu Âu và NATO.
Theo Foreign Policy, trong những lần "cùng chung sống” của các tổng thống Pháp trước đây đã dẫn đến việc các bộ trưởng được cả tổng thống và thủ tướng đồng ý bổ nhiệm, đặc biệt là về quốc phòng và đối ngoại. Tuy nhiên đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia, nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp, có thể sẽ bổ nhiệm những bộ trưởng theo chủ nghĩa dân tộc. Điều này sẽ dẫn tới sự mâu thuẫn với các chính sách trọng tâm của ông Macron.
Đầu tiên là việc mở rộng Liên minh châu Âu để bao gồm Ukraine, Moldova - điều mà ông Macron ủng hộ mạnh mẽ trong khi đảng Tập hợp Quốc gia kiên quyết phản đối. Ngoài ra, đảng Tập hợp Quốc gia cũng sẽ phản đối những nỗ lực của Tổng thống Macron nhằm cơ cấu hệ thống phòng thủ châu Âu và hỗ trợ Pháp với tư cách là nhà cung cấp an ninh cho châu Âu.
Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Ukraine cũng sẽ là chủ đề nhạy cảm nhất trong kịch bản "cùng chung sống". Trong chuyến thăm gần đây tới triển lãm quốc phòng Pháp Eurosatory, lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia Jordan Bardella - ứng viên sáng giá cho chức thủ tướng Pháp - khẳng định sự ủng hộ đối với việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng lưu ý rằng ông phản đối việc cung cấp tên lửa tầm xa và gửi quân tới Ukraine. Ông Bardella gọi điều này là "những lằn ranh đỏ".