Ngày 5-7, Iran bước vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống để tìm người thay thế cố Tổng thống Ebrahim Raisi, người đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng hồi tháng 5. Cuộc bầu cử tổng thống Iran vòng hai diễn ra sau khi không có ứng viên nào giành được số phiếu quá bán trong cuộc bỏ phiếu vòng một hôm 28-6.
Gay cấn cuộc đua song mã
Tham gia vòng một cuộc bầu cử tổng thống Iran có bốn ứng cử viên, gồm cựu Bộ trưởng Y tế Iran - ông Masoud Pezeshkian, cựu sĩ quan Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran - ông Saeed Jalili, Chủ tịch quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf, và cựu Bộ trưởng Tư pháp đồng thời là cựu Bộ trưởng Nội vụ Iran - ông Mostafa Pourmohammadi. Kết quả bỏ phiếu vòng một được công bố hôm 29-6 cho thấy không ứng cử viên nào đạt được hơn 50% số phiếu bầu cần thiết để giành chiến thắng.
Do đó, cuộc bầu cử tổng thống Iran sẽ phải tổ chức vòng hai với cuộc đối đầu giữa hai ứng viên đạt số phiếu cao nhất ở vòng một. Ông Pezeshkian (với 42,5% số phiếu bầu) và ông Jalili (với 38,6% số phiếu bầu) là hai ứng viên bước vào vòng hai. Điều này đồng nghĩa với việc người dân Iran phải lựa chọn giữa ứng cử viên tổng thống theo chủ nghĩa cải cách (ông Pezeshkian) hoặc ứng cử viên có lập trường bảo thủ, cứng rắn (ông Jalili).
Ông Pezeshkian, 69 tuổi, xuất thân là một bác sĩ phẫu thuật tim mạch. Ông Pezeshkian tham gia chính trường lần đầu tiên với tư cách là thứ trưởng y tế và sau đó là bộ trưởng y tế dưới thời Tổng thống Iran Mohammad Khatami, theo hãng tin AP.
Năm 2006, ông Pezeshkian trở thành thành viên quốc hội Iran và đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch quốc hội Iran từ năm 2016 đến năm 2020. Ông Pezeshkian từng đăng ký làm ứng cử viên tổng thống vào năm 2013 nhưng rút lui sau đó. Đến năm 2021, chính trị gia này cố gắng tranh cử tổng thống lần nữa nhưng bị Hội đồng Giám hộ Iran loại khỏi danh sách ứng viên.
Trong số các ứng viên của cuộc đua tổng thống Iran lần này, ông Pezeshkian là người duy nhất không theo đường lối bảo thủ. Dù đặt bản thân ở phía ngược lại với phe bảo thủ, vốn công khai ưu tiên các giá trị của Cộng hòa Hồi giáo Iran trên tất cả, ông Pezeshkian đã làm rõ rằng Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei là người đề ra các chính sách chung, bao gồm chính sách đối ngoại, và nếu thắng cử, ông sẽ hành động phù hợp và tuân thủ các quyết định của ông Khamenei.
Đối đầu với ông Pezeshkian trong cuộc bầu cử tổng thống Iran lần này là ông Jalili, 59 tuổi, cựu đàm phán viên hạt nhân của Iran, người nổi tiếng với lập trường chống phương Tây không khoan nhượng. Theo kênh Al Jazeera, ông Jalili hiện là một trong những đại diện trực tiếp của Lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei trong Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao (SNSC), và đã hai lần tranh cử tổng thống không thành công.
Tác động thế nào đến chính sách đối ngoại?
Chính sách đối ngoại của các ứng cử viên tổng thống Iran là nội dung quan tâm lớn của giới quan sát.
Theo Al Jazeera, ông Jalili phản đối thỏa thuận hạt nhân với phương Tây vào năm 2015, có tên chính thức là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), và có thể sẽ không đồng ý với các điều khoản của phương Tây để khôi phục thỏa thuận nếu ông trở thành tổng thống Iran. Ông Jalili cũng tuyên bố chính phủ của ông sẽ khiến Mỹ “hối tiếc” vì quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực của cố Tổng thống Raisi để đạt được mục tiêu này.
“Các kế hoạch quan trọng nhất mà chính quyền tiếp theo của Iran theo đuổi sẽ là tận dụng tối đa tư cách thành viên của nước này trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), địa chính trị khu vực và các cơ hội chính sách đối ngoại thông qua tương tác sâu hơn với các nước láng giềng” - theo ông Seyed Reza Sadr al-Hosseini, chuyên gia cấp cao về các vấn đề khu vực ở Tehran.
Ngược lại, ông Pezeshkian cam kết sẽ nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 nếu ông đắc cử cũng như sẽ cởi mở hơn trong việc can dự ngoại giao với thế giới, bao gồm phương Tây.
Theo chuyên gia Ali Vaez - Giám đốc dự án Iran thuộc tổ chức nghiên cứu International Crisis Group tại Brussels (Bỉ), Lãnh đạo tối cao Iran là người đưa ra quyết định cuối cùng đối với hầu hết các quyết định ở Iran, nhưng “điều đó không có nghĩa là tổng thống và nhóm chính sách đối ngoại của ông ấy không liên quan”. Ông Vaez nói rằng tổng thống và nội các của ông ấy thực hiện chính sách đối ngoại và có nhiều ảnh hưởng đến bộ máy ngoại giao của Iran.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Iran có xu hướng đi theo quỹ đạo bảo thủ hơn về lâu dài, ngay cả khi có một tổng thống theo chủ nghĩa cải cách, đồng thời nhận định rằng chính sách của Tehran đối với Israel và các nước trong khu vực khó có thể thay đổi, theo CNN.
Chuyên gia Trita Parsi - Phó chủ tịch điều hành Viện Quincy (Mỹ) nói rằng khi đề cập các chính sách cốt lõi ở Iran, chẳng hạn như hỗ trợ cho lực lượng Hezbollah (Lebanon) và sự thù địch đối với Israel, một tổng thống theo chủ nghĩa cải cách khó có thể tạo ra sự khác biệt, nhưng có thể có sự can dự tốt hơn với phương Tây.
Những thách thức đối với tân tổng thống Iran
Theo giới chuyên gia, dù ông Pezeshkian hay ông Jalili giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, tổng thống tiếp theo của Iran sẽ phải đối mặt các thách thức về kinh tế và quan hệ đối ngoại, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
Trong khi hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng quỹ đạo chính trị của Iran sẽ không có những thay đổi đáng kể, người dân Iran vẫn hy vọng rằng tổng thống sắp tới sẽ thực hiện các giải pháp hiệu quả để giải quyết những thách thức kinh tế và điều hướng căng thẳng ngày càng gia tăng với Israel và các cường quốc phương Tây.
Theo một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Iran ghi nhận mức lạm phát lên đến 35% và tỉ lệ thất nghiệp ở mức 8,9%. Mối quan tâm của người dân Iran hiện nay xoay quanh việc làm thế nào để tăng cường xuất khẩu, giảm lạm phát và tăng cường cơ hội việc làm.
Do những khó khăn kinh tế hiện tại của Iran, phần lớn là do các lệnh trừng phạt của phương Tây, cả ông Pezeshkian và ông Jalili đều cam kết sẽ tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Tuy nhiên, các chuyên gia lập luận rằng do những bất đồng đáng kể giữa Iran và Mỹ về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng như căng thẳng hiện tại của Iran với Israel, triển vọng cải thiện trong quan hệ của Iran với phương Tây có vẻ mờ mịt.
Do đó, trọng tâm ngoại giao của Iran trong tương lai có thể sẽ tập trung vào việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các nước ở Nam bán cầu và các khu vực lân cận.